UNDP tràn đầy lạc quan về tương lai của châu Phi

UNDP nhấn mạnh cộng đồng quốc tế tràn đầy lạc quan về tương lai của châu Phi với kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan nhiều thập kỷ qua.
Ngày 21/3, tại diễn đàn tư vấn đào tạo các nhà thương lượng của châu Phi chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững vào tháng Sáu tới ở Brazil (Rio+20), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh cộng đồng quốc tế tràn đầy lạc quan về tương lai của châu lục Đen.

Số liệu của UNDP cho thấy châu Phi đã đạt tiến bộ lớn với những kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan trong nhiều thập kỷ qua, kể cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây. Từ năm 1999, tỷ lệ đói nghèo ở khu vực Tiểu sa mạc Sahara châu Phi đã giảm 18%.

Nhiều nước châu Phi cũng nằm trong số các quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) tăng nhanh nhất, cho thấy chất lượng cuộc sống người dân châu Phi được nâng cao. Những thành tựu kinh tế và phát triển con người của châu Phi bắt nguồn từ các chính sách kinh tế đúng đắn, đầu tư lớn hơn vào giáo dục và y tế, quản trị tốt hơn và ít các cuộc xung đột bạo lực hơn.

Các nước châu Phi nhấn mạnh nền kinh tế xanh là công cụ chủ chốt để đạt được phát triển bền vững, và con đường giảm đói nghèo cần thông qua sử dụng bền vững hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, UNDP cũng nhận định châu Phi cần có cái nhìn thực tế hơn về những thách thức rất lớn vẫn còn ở phía trước. Châu lục Đen là lục địa cuối cùng trên thế giới vẫn đang xảy ra các thảm họa nhân đạo về nạn đói và có tỷ lệ đói nghèo cao nhất thế giới. Có tới 48% dân số châu Phi vẫn sống dưới chuẩn nghèo quốc tế, trong khi chỉ có 53% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch và 32% được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản.

Châu Phi không thể thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đúng hạn vào năm 2015. Dân số tăng nhanh, môi trường suy thoái nhanh và tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu đang tạo ra những áp lực đối với việc chuyển đổi kinh tế và đảm bảo phổ quát xã hội cũng như khả năng nuôi sống người dân của nhiều chính phủ trong châu lục.

UNDP cho rằng châu Phi có quyền yêu cầu cộng đồng quốc tế tài trợ, cung cấp nguồn tri thức và hỗ trợ phát triển và giải quyết thành công các vấn đề của châu lục. Tiếng nói của châu Phi phải được coi trọng tại Hội nghị Rio+20. Cộng đồng quốc tế đã có sự nhất trí chung về nhu cầu cải tổ và tăng cường hệ thống Liên hợp quốc để hỗ trợ châu Phi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục