Báo động nạn sạt lở bờ sông tại nhiều tỉnh ĐBSCL

Dọc các nhánh sông Tiền và sông Hậu, trên địa bàn ĐBSCL đã xuất hiện nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt vào mùa mưa lũ.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Tại Đồng Tháp - tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, hiện tại, trên hầu hết các sông, rạch tại các huyện, thị đều xuất hiện sạt lở với quy mô và tốc độ cao. Lớn nhất là 100 điểm sạt lở ven sông Tiền, sông Hậu thuộc 44 xã, phường, thị trấn, với tổng chiều dài hơn 172km. Khoảng 2.300 gia đình sống ven sông đang cần được di chuyển đến nơi an toàn.

Khu vực xảy ra sạt lở mạnh xảy ra ở các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Phú Thuận B, Long Thuận, Long Khánh A, Long Khánh B (huyện Hồng Ngự), xã An Hiệp (huyện Châu Thành), cù lao Tây (huyện Thanh Bình).

Dọc sông Sở Thượng và Sở Hạ cạnh biên giới Việt Nam-Campuchia có 6 vị trí có nguy cơ sạt lở mạnh là khu vực đồn biên phòng 905, 911, trạm kiểm soát biên phòng Thông Bình, Mộc Rá, Cả Xiêm, Ba Nguyên.

Phía bờ tả sông Tiền có dòng chủ lưu ép sát bờ, sạt lở diễn ra thường xuyên trong nhiều năm nay trên chiều dài khoảng 8km thuộc các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) với tốc độ sạt lở nhiều nơi sâu vào bờ hàng chục mét mỗi năm năm và kéo dài trong nhiều năm nay đã làm mất rất nhiều đất, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa nhiều lần trong thời gian ngắn.

Tại khu vực bờ hữu sông Tiền thuộc các xã Long Thuận, Phú Thuận B và cù lao Long Khánh, sạt lở mạnh ở phía đầu và cuối cù lao Long Khánh, khu vực bờ hữu nhánh Hồng Ngự thuộc các xã Long Thuận, Phú Thuận B. Sạt lở mạnh cũng xảy ra ở các xã Long Thuận và Phú Thuận B, nhiều vị trí sạt lở sâu vào bờ từ 10-30m. Tại xã Long Thuận có đoạn bờ sông chỉ còn cách đường giao thông từ 5 -10m.

Dọc theo nhánh Long Khánh bờ sông hai bên đều bị sạt lở mạnh, sâu vào bờ 5-7m/năm. Hai phía đầu và cuối cù lao Long Khánh sạt lở xảy ra rất mạnh, sâu vào bờ từ 20-30m /năm, đã làm mất nhiều diện tích đất canh tác.

Ở phía bờ hữu sông Tiền, tại cù lao Tây, xã Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình) sạt lở xảy ra mạnh khu vực bến đò ấp 3 xã Tân Qưới, sâu vào bờ từ 8-10m/năm. Tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành) sạt lở kéo dài 2-3km, tốc độ sạt lở sâu vào bờ tới 30m/năm.

Trên địa bàn tỉnh An Giang có 40 vị trí sạt lở, phân bố trên hầu hết các sông chảy qua tỉnh: sông Tiền, sông Bình Ghi, sông Vàm Nao với nhiều vị trí sạt lở mạnh như tại các xã Khánh An (huyện An Phú), Vĩnh Xương, Vĩnh Hoà (huyện Tân Châu), thị trấn Tân Châu, xã Kiến An (huyện Chợ Mới).

Trên sông Bình Ghi (dọc biên giới Việt Nam-Campuchia) có 3 vị trí sạt lở mạnh, mạnh nhất là khu vực đầu sông thuộc xã Khánh An, huyện An Phú.

Bờ rạch tại khu vực này có hình dạng dốc đứng, khi lũ về kết hợp với mưa lớn dẫn tới sạt lở bờ ảnh hưởng nhiều cuộc sống của người dân khu vực biên giới. Phía bờ hữu sông Tiền thuộc 2 xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hoà (huyện Tân Châu), dòng chủ lưu ép sát bờ gây nên sạt lở nghiêm trọng thời gian qua. Hiện tại ấp 1, ấp 2 xã Vĩnh Xương có khoảng trên 90 căn nhà và một bè xăng dầu đang bị đe dọa.

Khu vực thị trấn Tân Châu hiện vẫn đang là một trong những điểm nóng nhất về sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, do đây là nơi dòng chảy chuyển hướng đột ngột với góc hẹp, thúc thẳng vào bờ.

Trong những năm 2000-2004, địa phương đã xây dựng kè bảo vệ bờ khu vực thị trấn Tân Châu. Nhưng ngăn chặn được sạt lở khu vực này, thì sạt lở lại diễn ra mãnh liệt ở khu vực thượng lưu kênh Vĩnh An, nhất là khu vực tổ 3, ấp Long Thị C, thị trấn Tân Châu. Tại đây, trong năm 2006 đã xảy ra 3 lần sạt lở, làm thiệt hại 29 căn nhà, tổng giá trị 20 tỷ đồng. Diện tích khu vực sạt lở là 4.200 m2, với chiều dài 120mét, sâu vào bờ 35-40m. Hiện sạt lở tại đây vẫn tiếp diễn.

Tại bờ kè sông Hậu thuộc Thành phố Long Xuyên, một số đoạn kè đã bị phá huỷ như đoạn kè thuộc khu vực tỉnh uỷ và đoạn kè chạy qua trung tâm thành phố Long Xuyên. Ngoài ra, bờ kè này còn có 2 đoạn bị sụp đổ với chiều dài mỗi đoạn từ 15-20m. Đoạn kè tại khu vực văn phòng tỉnh ủy tỉnh An Giang bị sụp đổ xuống sông dài khỏang 15-20m, sâu vào bờ gần 5m. Đáng lo ngại là tính liền khối của đọan kè dài hàng ngàn mét này đã không còn. Vật liệu cát đắp phía trong tường kè sẽ bị dòng nước và sóng cuốn trôi khi nước sông lên cao.

Hiện tại, dọc chiều dài tuyến kè qua thành phố Long Xuyên còn rất nhiều vết nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Sông Vàm Nao trước đây chỉ là con kênh nhỏ, nhưng hiện nay chiều rộng sông đã là 800-900m.

Sự biến đổi bề rộng, độ sâu của sông Vàm Nao đã và đang làm cho bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại khu vực ngã ba sông Vàm Nao-sông Tiền thuộc xã Kiến An. Sạt lở tại đây rất mạnh sâu vào bờ từ 3-5m, dài hơn 1.000m. Năm 2006 một vụ sạt lở lớn đã xảy ra tại đây, khối đất bị sạt lở dài 30m sâu 15m. Dự báo sẽ xảy ra nhiều đợt sạt lở mới tại khu vực ngã ba sông này.

Tại thành phố Cần Thơ, nhiều vị trí bị sạt lở như các khu vực bến phà Cần Thơ cũ trên sông Hậu, cù lao Tân Lộc (huyện Thốt Nốt), đầu cồn Sơn (quận Bình Thuỷ), cồn Cái Khế , rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều), rạch Cái Cui, Cái Sâu, Bùng Binh, Bến Bạ (quận Cái Răng) và một số vị trí rải rác khác thuộc các quận huyện Ô Môn,Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ.

Khu vực bến phà Cần Thơ là một trong những địa điểm sạt lở mạnh, đến nay hai bên bờ đã lở sâu vào bờ trên 20 mét. Trên 200m bờ kè (trên tổng số 750m) tại khu vực chợ huyện Phong Điền bị sụp đổ xuống sông Cần Thơ vào tháng 2/2007.

Nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục với nhiều vết nứt đã xuất hiện và ngày càng lan rộng trên tỉnh lộ 923 dọc sông Cần Thơ đe dọa hàng trăm ngôi nhà dọc theo bờ sông. Trên rạch Cái Sơn thuộc quận Ninh Kiều có nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở cao, rạch chạy qua khu dân cư đông đúc nên sẽ thiệt hại lớn khi xảy ra sạt lở.

Năm 2007 một vụ sạt lở có chiều dài 20m, sâu vào bờ 8m đã xảy ra tại phường An Bình, quận Ninh Kiều đã làm ảnh hưởng đến ba hộ dân, và làm gián đoạn đường giao thông trong khu vực. Cũng năm 2007 tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, một vụ sạt lở đã làm sập hoàn toàn 10 căn nhà xuống sông Trà Nóc với chiều dài gần 100m. Tại đây, hiện có 34 căn nhà khác có nguy cơ sụp đổ xuống sông bất cứ lúc nào trên chiều dài 500m.

Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) có 6 điểm sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực.

Các điểm sạt lở đều tập trung ven rạch Bảo Định gồm ấp 1, ấp 3B, cầu bến đò Nhà Thiếc (xã Đạo Thanh), một điểm ở cuối cồn Tân Long, ba điểm ở xã Mỹ Phong. Các điểm sạt lở đều ăn sâu vào đất liền 25-35 mét, có điểm ăn sâu vào tới 80m đã làm gián đoạn đường giao thông. Kênh Chợ Gạo dài 28,5km bị xói lở nghiêm trọng với tốc độ sạt lở sâu vào bờ 2mét/năm, nhiều nơi sạt lở sâu vào bờ tới 12-15m làm hỏng cả đường bộ hai bên bờ kênh.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nhiều vị trí đã và đang sạt lở mạnh như khu vực đình Tân Hoa (thị xã Vĩnh Long), khu vực vàm Cái Lóc đến vàm Hòa Mỹ (xã Mỹ An, huyện Mang Thít), khu vực đầu cù lao Minh (xã An Bình), khu vực xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ), khu vực đầu cù lao Dài (xã Qưới Thiện, huyện Vũng Liêm), khu vực bờ hữu sông Trà Ôn (thị trấn Trà Ôn).../.

Thế Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục