Kinh tế toàn cầu có thể bị vào vòng xoáy suy giảm

IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy giảm, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế châu Á phải hết sức đề phòng.
Mặc dù một số nhà kinh tế vẫn lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ và các nền kinh tế đang nổi, nhưng Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy giảm, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế châu Á phải đề phòng vì khu vực này không miễn nhiễm với những vấn đề hiện đang càn quét Eurozone.

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính quốc tế ở Bắc Kinh ngày 9/11, bà Lagarde nói: "Nếu chúng ta không cùng nhau hành động, kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy đi xuống do sự không chắc chắn và mất ổn định về tài chính."

Bà cho biết châu Âu có kế hoạch ủng hộ gói giải cứu Hy Lạp là biện pháp đúng hướng, nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn nguy hiểm và bấp bênh.

Triển vọng của các nền kinh tế phát triển trong tháng 11 vẫn ảm đạm khi châu Âu bị chia rẽ và "tàn phá" bởi cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Theo kết quả khảo sát do Reuters tiến hành sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đối với hơn 250 nhà kinh tế, 60% số người được hỏi cho rằng Eurozone đã rơi vào suy thoái.
 
Hơn một năm trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các quân chức hàng đầu EU Herman Van Rompuy và Jose Manuel Barroso, liên tục lặp lại điệp khúc châu Âu "sẽ làm tất cả những gì cần thiết" để bảo vệ đồng euro và sự ổn định của khu vực.

Tuy nhiên khi cuộc khủng hoảng sắp kết thúc năm thứ hai còn Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone và lớn thứ tám thế giới sắp bị sa lầy thì những cam kết trên trở nên trống rỗng. Vì vậy, thông điệp chưa được nói ra là Ủy ban châu Âu không còn hy vọng một mình có thể duy trì được lòng tin của thị trường.

Niềm tin vào khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của Liên minh châu Âu (EU) thấp tới mức các nhà lãnh đạo của khu vực đang phải dựa vào IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thuyết phục các thị trường tài chính rằng những vấn đề đang xấu đi nhanh chóng này có thể được giải quyết.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu hy vọng các nền kinh tế lớn đang nổi, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ đầu tư một phần dự trữ ngoại tệ để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ đã nhấn chìm Hy Lạp và đe dọa các nền kinh tế lớn như Italy.

Tuy nhiên, theo bài bình luận đăng trên Tân hoa xã, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại rằng các kế hoạch của châu Âu không hoàn thiện và không chắc chắn.

Bài bình luận cũng chỉ trích việc thiếu ý chí chính trị và thiếu sự phối hợp giữa các nước thành viên EU.

Trước khi bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc, bà Lagarde cho biết các cuộc gặp gỡ sẽ tập trung vào nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng ở châu Âu.

Bà bày tỏ hy vọng các chi tiết kỹ thuật của kế hoạch tăng vốn cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) của EU lên khoảng 1.000 tỷ euro từ mức 440 tỷ euro hiện nay sẽ hoàn tất vào tháng 12 tới.

Trước đó, bà Lagarde đã dành hai ngày cho chuyến công du Nga, cố gắng thuyết phục nước này sử dụng một phần khoản tiền thu được từ dầu mỏ để đóng góp vào quỹ giải cứu khu vực Eurozone.

Các nước BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cho đến nay vẫn do dự đầu tư trực tiếp vào kế hoạch giải cứu của châu Âu và muốn đóng góp thông qua IMF hơn.

Trong khi đó, ECB sẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật tài chính và kỹ thuật để cố gắng đảm bảo rằng Italy và các nước khác đang áp dụng các biện pháp đúng đắn để đưa nền kinh tế của họ trở lại quỹ đạo.

Cho dù các giải pháp có sự tham gia của ECB và IMF được đặt trên bàn thì những tranh cãi trong nội bộ EU, thường bắt nguồn từ sự không khoan nhượng của Đức, cũng phá hỏng những đề xuất đó - làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng đe dọa không chỉ Eurozone mà còn toàn bộ kế hoạch của châu Âu./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục