IMF đề cao tính phổ quát trong tăng trưởng kinh tế

IMF kêu gọi các nước thành viên coi trọng yếu tố phổ quát trong tăng trưởng kinh tế để tăng cường phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Ngày 12/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước thành viên coi trọng yếu tố phổ quát trong tăng trưởng kinh tế để tăng cường phát triển kinh tế theo chiều sâu.

IMF nhấn mạnh đối với nhiều nước, ưu tiên cao nhất hiện vẫn là thiết lập ổn định kinh tế và tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế nhanh. Tuy nhiên, phân phối lợi ích của tăng trưởng đã bắt đầu chi phối chương trình nghị sự phát triển của nhiều nước.

Tăng trưởng phổ quát thông qua tạo việc làm và nâng cao thu nhập có ý nghĩa quan trọng không chỉ về công bằng xã hội, hòa bình và ổn định chính trị mà còn khởi đầu một chu kỳ tăng trưởng lành mạnh. Tăng thu nhập và lợi nhuận sẽ làm tăng nhu cầu kéo theo thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa về thu nhập và lợi nhuận.

Các nghiên cứu của IMF cho thấy bất bình đẳng cao về thu nhập, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, là trở ngại lớn cho phát triển. Sản xuất quy mô lớn cùng với sức khỏe và dinh dưỡng tốt hơn cho con người sẽ cải thiện năng suất của người lao động, làm cho sản phẩm rẻ hơn cùng với nhiều hiệu quả khác.

Các nước châu Phi tăng trưởng kinh tế nhanh đang đứng trước thách thức cần tăng trưởng phổ quát hơn. Nhiều nước ở châu lục này đã thúc đẩy chính sách tạo việc làm thông qua tăng năng suất lao động và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong nông nghiệp, cơ sở hạ tầng công cộng như vận tải, nước, năng lượng và cải tổ quy chế. Nhiều nước tăng cường mạng an sinh xã hội mạnh hơn trong đó các nguồn tài nguyên công cộng được chuyển trực tiếp đến người nghèo nhất nhằm thu hẹp bất bình đẳng về thu nhập và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong khủng hoảng kinh tế.

IMF lưu ý 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phổ quát hơn. Thứ nhất là các chương trình và tư vấn kinh tế để tăng năng suất và đa dạng hóa sản xuất như các quá trình lựa chọn các dự án đầu tư cũng như các quy chế minh bạch và đơn giản để khởi đầu kinh doanh.

Thứ hai là trợ giúp kỹ thuật để quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là quản lý và bảo vệ các nguồn tài chính cho đến khi có nhu cầu sử dụng cũng như các quy chế chi tiêu chúng với những giám sát công chặt chẽ.

Ba là xây dựng và cung cấp tài chính cho hệ thống an sinh xã hội để cung cấp các bảo vệ xã hội và tạo ra các cơ chế ổn định có thể nhanh chóng tăng chi tiêu của chính phủ để kiềm chế tác động của các cú sốc kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục