Tàu không số trong ký ức người cựu chiến binh

Với tinh thần cảm tử, không ít chiến sỹ trên những con tàu không số đã hy sinh để giữ bí mật cho con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Phóng viên Vietnam+ đã tìm gặp ông Lê Văn Nhược, một nhân chứng sống trên chuyến tàu không số huyền thoại ngày nào tại tư gia của ông trên con phố Thanh Lân, Hà Nội.

Những ngày này ông Nhược tất bật những hoạt động chuẩn bị cho kỷ niệm 50 năm huyền thoại tàu không số nên phải đến nhá nhem tối ông mới có thời gian dành cho phóng viên.

Bi hùng một thuở

Bỏ quên cơn mưa lạnh ngoài trời, ông Nhược say sưa kể cho tôi nghe về đoàn tàu không số thuở nào đầy gian nan và anh dũng. Những đồng đội của ông và những con tàu không số huyền thoại đang trở về đầy xúc động trong dòng ký ức của ông.

Ông Nhược kể rằng, năm 24 tuổi, ông nhập ngũ ở Quân chủng hải quân. Sau ba tháng huấn luyện tại Nghệ An, Bộ tư lệnh cử ông đi học lớp lái tàu hải quân ở Cửa Hội, Nghệ An trong chín tháng. Sau đó, đầu năm 1964, ông được bổ sung vào tàu 181, phân đội 7 hải quân đóng tại Sông Gianh.

Tháng 7/1964, ông được chuyển về đoàn tàu không số và là thế hệ đầu tiên của miền Bắc tham gia đoàn tàu này.

Trong quá trình công tác, ông Nhược được phân công cùng 49 đồng chí sang Quảng Châu, Trung Quốc nhận 10 chiếc tàu do nước bạn viện trợ về làm nhiệm vụ chở vũ khí ra chiến trường miền Nam.

Tháng Giêng năm 1965, ông Nhược được bổ sung xuống tàu 132 làm nhiệm vụ lái tàu (thuyền trưởng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thanh Trầm) xuất phát từ Hải Phòng, chở 60 tấn vũ khí vào Cà Mau.

Sau vụ ngày 16/2/1965, chiếc tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm vào Vũng Rô (Phú Yên) bị lộ, thời bấy giờ gọi là sự kiện Vũng Rô. Bọn Mỹ, ngụy lấy được một số vũ khí của ta và thiết bị cần thiết trên con tàu đó đem về Sài Gòn triển lãm và công bố rằng Bắc Việt chở vũ khí xâm nhập miền Nam.

Từ đó, ngụy tăng tàu tuần tra gấp 3 lần ở vùng biển, tàu hạm đội 7 của Mỹ tăng gấp 2 lần ở biển đồng thời máy bay của chúng liên tục rà soát trên biển nhằm chặn tàu của chúng ta chuyển vũ khí vào miền Nam.

Vì vậy, từ cuối năm 1965, đường vận chuyển tàu không số vô cùng gian khổ, vất vả. Có những chuyến tàu phải ra xa biển, vượt gần 3.500 hải lý với đường vòng tới miền Đông Bắc Philippin, Hồng Kông, xuôi về Malaysia, Singapore, về vịnh Thái Lan rồi chờ thời cơ để vào miền Tây Nam Bộ.

Trong những chuyến đi dài ngày đó, các chiến sỹ của đoàn tàu không số phải đối diện với cảnh thiếu thốn nước và lương thực.

Ông Nhược nhớ lại, lúc ấy tiêu chuẩn mỗi người trong một ngày chỉ được một ca nước để uống và rửa mặt nhưng do đi dài ngày nên đành nhịn rửa mặt để lấy nước uống.

Ăn lương khô qua ngày là chuyện thường xuyên đối với những người lính biển này. Song sự khó khăn không dừng lại ở đó. Tàu ra khơi, mỗi khi gặp sóng lớn, các chiến sỹ say lả, ai nấy đều nôn thốc tháo, xanh mắt, mệt phờ.

Ông Nhược không quên được cái kỷ niệm, khi những cơn sóng lớn ập đến tàu khiến cho nồi cháo đang nấu bị chao đổ, vậy là bữa ấy anh em bị đói. Những lần sau, may mà trên tàu có hai người ít bị say sóng hơn là thủy thủ Huỳnh Phước Hải và người thợ máy Nguyễn Văn Hồng. Hai đồng chí này đã dùng giẻ cuốn hết hai tay rồi cùng nhau nắm chặt hai quai chảo giữ thăng bằng cho nồi cháo không bị đổ khi có sóng lớn để giữ được bữa ăn cho đồng đội.

Đó là chưa kể những gian nguy nếu bị địch phát hiện, cả đoàn tàu sẽ phải phá hủy, các chiến sỹ thà hy sinh chứ không để địch bắt sống.

Khó khăn là vậy nhưng trên con tàu của ông, không ai chùn bước bởi ai cũng biết rằng, một chuyến đi trong 10 ngày của họ chở được 60 tấn vũ khí đã bằng cả một sư đoàn vận chuyển theo đường bộ trong 4 đến 5 tháng. Nghĩ vậy nên chẳng ai sờn lòng.

Nói như cách của ông Nhược: “17, 18 con người trên tàu nhưng chỉ một trái tim, mọi hành động nhất nhất là một, dù có bị địch bắn dọa, hay bị giết cũng không dao động ý chí.”

Với tinh thần ấy, không ít đồng đội của ông trên những con tàu không số khác đã hy sinh anh dũng để giữ bí mật cho con đường Hồ Chí Minh trên biển.

“Như trường hợp của một người lính trẻ ở Thái Bình nhập ngũ khi con đầu lòng vừa chào đời, còn nguyên đó giấc mơ về một ngày giải phóng để trở về xây cho vợ con một ngôi nhà ngay trước khi hy sinh…” ông Nhược xúc động kể lại.

Tuổi già an bình

Ông Nhược tâm sự rằng, sau khi giải phóng miền Nam, thế hệ của ông đã trên dưới 40 tuổi. Họ vốn là những thủy thủ và thợ máy lênh đênh trên biển thành ra khi trở về với cuộc sống khó bắt nhịp được với thời cuộc nên không ít người trong số đó vẫn còn sống cuộc đời khó khăn.

Ông Nhược thì may mắn hơn, khi trở về ông được vào làm ở Công ty lương thực Quận Ba Đình, còn vợ ông làm tại Công ty lương thực Quận Đống Đa. Túc tắc công việc, lương không cao nhưng cũng đủ cho ông bà sống cuộc sống yên ổn với bốn người con nay đều đã trưởng thành.

Hiện ông bà đều đã về hưu, tuy sống với đồng lương hưu ít ỏi nhưng như cách nói của vợ ông, sống cốt cho thanh thản và vui vẻ. Bởi vậy, ông bà ngày ngày lo việc đón những đứa cháu đi học, thời gian rảnh thì cùng nhau tham gia các hoạt động của hội cựu chiến binh đoàn tàu không số và đi thăm hỏi đồng đội xưa.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Nhược rất tự hào về cái tình của đồng đội một thời vào sinh ra tử đến nay vẫn không phai nhạt theo thời gian.

Ông khoe, trước đây 5 năm, một người đồng đội cũ lúc đó là chủ xưởng gỗ đến thăm nhà, thấy bộ bàn ghế của ông bị ọp ẹp, người đồng đội ấy đã bí mật đóng tặng vợ chồng ông bộ bàn ghế gụ.

Năm tháng trôi qua, màu của bộ bàn ghế này đang dần sẫm hơn như ghi dấu lại cái tình của những người lính biển dành cho nhau…

Quan sát phòng khách tôi nhận thấy, trên vách tường, ông Nhược treo bức ảnh về chiếc tàu không số lịch sử do Hải quân Mỹ chụp được. Gần đó là một tấm Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng nhất và một bài báo viết về đoàn tàu không số được ông trân trọng đăt trong khung ảnh.

Mỗi khi có bài báo viết về đoàn tàu không số huyền thoại, ông Nhược đều cùng vợ ngồi đọc và kể lại cho các cháu nghe như một lần ông ôn lại lịch sử và cũng để nhắc nhở các cháu mình hãy trân trọng những hy sinh của thế hệ cha ông./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục