Xác động thực vật trong hổ phách 20 triệu năm

Các nhà khoa học Peru phát hiện hóa thạch của nhiều động thực vật trong mỏ hổ phách có niên đại 20 triệu năm ở sông Santiago.
Một nhóm các nhà khoa học Peru đã phát hiện hóa thạch của nhiều loài động thực vật trong mỏ hổ phách có niên đại 20 triệu năm trên vùng bồi của sông Santiago, một nhánh của dòng Marazon, ở phía Bắc Peru và bắt nguồn từ dãy núi Andes.

Klaus Hönninger, người đứng đầu nhóm khoa học, công bố các mẫu hổ phách thuộc về thời kỳ Miocen, trong Đại Tân sinh và trên đó họ tìm thấy hóa thạch của nhiều loài côn trùng, cũng như các bào tử, phấn hoa và thậm chí cả máu và lông của loài gặm nhấm.

Nhà khoa học cho biết 80% trong số các viên đá hổ phách được tìm thấy từ trầm tích sông Santiago đều chứa hóa thạch động thực vật.

Trong các mẫu côn trùng hóa thạch được tìm thấy có hai loài chưa từng được biết đến trước đó là một con muỗi có chân rất dài và một con ong có ngòi ở trên đầu. Hai loài động vật này được cho là đã tuyệt chủng và do đó sẽ có thể cung cấp các đầu mối về sự thay đổi của hệ động thực vật trong khu vực Amazon.

Theo Hönninger, chỉ có ở biển Baltic còn có sự hiện diện đáng kể của hổ phách, nhưng tại đó sự biến đổi địa chất đã làm biến mất tất cả mọi dấu vết của khí hậu nhiệt đới, trái với những gì đã xảy ra ở lưu vực sông Amazon.

Khám phá mới về hóa thạch trong hổ phách trên sẽ có thể giúp các nhà khoa học đưa ra ánh sáng về sự tiến hóa của Amazon./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục