Hy vọng từ Mỹ tiếp sức cho chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á bứt lên trong ngày 19/11, nhờ sự lạc quan rằng các nghị sỹ Mỹ có thể đạt được thỏa thuận nhằm tránh "vách đá tài chính."
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á bứt lên trong phiên giao dịch ngày 19/11, nhờ sự lạc quan rằng các nghị sỹ Mỹ có thể đạt được thỏa thuận nhằm tránh "vách đá tài chính" đang đe dọa đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái, mở ra cơ hội tốt để nhà đầu tư mua vào sau khi các thị trường toàn cầu sụt giảm vào thời điểm hậu bầu cử Tổng thống Mỹ.

[Nghị sỹ Mỹ tin có thể tránh được "vách đá tài chính"]

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,5%, phục hồi từ mức thấp 9 tuần vào cuối tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 2,26 điểm, hay 0,11%, lên 2.016,98 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 103,35 điểm, hay 0,49%, lên 21.262,36 điểm.

Chỉ số S&P/ASX200 của Ôxtrâylia tăng 24,6 điểm, hay 0,57%, lên 4.361,4 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 17,27 điểm, hay 0,93%, lên 1.878,1 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 1,03 điểm, hay 0,01%, xuống 7.129,04 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản chốt phiên với mức tăng 129,04 điểm, hay 1,43%, lên mức cao hai tháng là 9.153,2 điểm, sau khi người có khả năng nhất để trở thành Thủ tướng mới của nước này kêu gọi Ngân hàng Trung ương nới lỏng tiền tệ không hạn chế và cam kết sẽ tìm kiếm thỏa thuận với ngân hàng này về các biện pháp chính sách khác.

Hy vọng về sự thay đổi chính trị và các biện pháp nhằm tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế đang hụt hơi của Nhật Bản đã tạo đà cho thị trường chứng khoán, trong khi đồng yên yếu cũng phần nào tiếp sức cho thị trường.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama cuối tuần qua đã gặp lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội để bắt đầu thảo luận các biện pháp nhằm tránh việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đã được lên kế hoạch kể từ ngày 1/1 tới nếu không có sự can thiệp nào.

Tuy nhiên, cả hai đảng đã sẵn sàng cho việc tìm kiếm tiếng nói chung và nói rằng có thể đạt được một thỏa thuận trước Giáng sinh.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner tin rằng cuộc họp diễn ra trên tinh thần mà Tổng thống Obama kêu gọi là hướng tới một giải pháp hài hòa.

Mối lo về hạn chót đang đến gần đã khiến các thị trường biến động trong gần như suốt tháng qua.

Các nhà kinh tế đã cảnh báo hệ quả của việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế là 671 tỷ USD sẽ bị rút khỏi nền kinh tế vào năm tới, đủ để gây ra một cuộc suy thoái cho kinh tế Mỹ.

Các cuộc thương lượng về ngân sách tại Mỹ sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhất trong thời gian tới, song vấn đề được quan tâm nhất cuối cùng là thể trạng của kinh tế toàn cầu.

Các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại khi số liệu công bố tuần trước cho thấy sản lượng công nghiệp của Mỹ giảm 0,4% trong tháng 10 và Khu vực sử dụng đồng euro đã lại rơi vào suy thoái.

Ngày 20/11, các quan chức châu Âu nhóm họp để thảo luận việc cứu trợ Hy Lạp./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục