Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới

Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới nhằm thảo luận thành quả, thách thức cho bình đẳng giới, tổ chức ngày 9/3, tại Hà Nội.
Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới nhằm thảo luận những thành quả, cũng như thách thức tồn tại cho bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ Việt Nam, tổ chức ngày 9/3, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm hoàn thiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, tăng cường triển khai thực hiện những chương trình, dự án thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 sẽ cụ thể các chỉ số và biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, đẩy mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực; trong đó có giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và chính trị. Các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội đang chuẩn bị kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược này.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã trình bày về vai trò của Trung ương Hội trong vận động chính sách nhằm tăng tỷ lệ nữ trong cuộc bầu cử năm nay. Ngoài ra, những kết quả được phát hiện chính trong những nghiên cứu gần đây về xu hướng lao động Việt Nam, những chỉ số tách biệt giới từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, giới và nguồn tiền chuyển từ nước ngoài về, giới và vấn đề dân tộc cũng đã được chia sẻ.

Báo cáo của Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động cao nhất trên thế giới, nhưng cơ hội cho phụ nữ và nam giới tham gia vào lực lượng lao động đôi khi lại khác nhau. Trong năm 2009, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72,3%, tỷ lệ này thấp hơn nhóm nam là 8,7%.

Phụ nữ dường như ít có công việc trong thị trường lao động chính thức hơn, do đó, thiếu những yếu tố liên quan đến việc làm bền vững. Vì vậy, việc tập trung, giáo dục và đào tạo kỹ năng là rất quan trọng và sự đa dạng trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, để đẩy nhanh quá trình chuyển thành một quốc gia thu nhập trung bình năng động.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy cơ cấu của dân số Việt Nam hiện nay đang có những thay đổi. Trong khi tỷ số giới tính có xu hướng lệch về phía nữ ở các nhóm trung niên và người già, tỷ lệ này lại lệch về phía nam với nhóm dân số trẻ, đặc biệt nhóm dân số dưới 5 tuổi. Điều này đòi hỏi các dịch vụ về y tế, xã hội cần phải tính toán đến đặc trưng của dân cư theo độ tuổi và giới tính.

Các báo cáo tại Diễn đàn cũng chỉ ra rằng giá trị văn hóa và các cơ hội kinh tế cùng với du lịch đã tạo ra những vai trò mới cho phụ nữ.

Tuy nhiên những định kiến xã hội về quan hệ giới vẫn tiếp tục được duy trì. Những công việc liên quan đến du lịch của phụ nữ được coi như là một phần mở rộng thêm công việc gia đình của người phụ nữ và việc nam giới tham gia vào làm việc nhà vẫn tiếp tục không được chấp nhận về mặt văn hóa. Do đó, những can thiệp từ góc độ giới nên được thiết kế dựa trên những hiểu biết sâu sắc về điều kiện và cách nhìn nhận của cả hai giới và cần có sự tham gia bình đẳng của họ.

Một kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016 sẽ không chỉ coi giới như là một vấn đề xuyên suốt mà còn được thiết kế là một kết quả dài hạn tập trung vào giải quyết vấn đề giới.

Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đến năm 2016, các thể chế quốc gia và địa phương, cùng với cộng đồng sẽ tích cực hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng giới thông qua việc triển khai và giám sát luật pháp, chính sách và chương trình để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên hợp quốc đã cam kết cùng nỗ lực hợp tác và hỗ trợ nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục