Giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp Nhật Bản

Các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam phản ánh các khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính và quy định pháp lý.
Ngày 1/10, tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát về thực tiễn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam."

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, cải thiện hệ thống chính sách, pháp luật và phối hợp với các cơ quan liên quan, hoặc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết Cục đã tiến hành khảo sát 500 doanh nghiệp Nhật Bản về thực tiễn hoạt động và các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Thông tin và phản ánh của doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các vấn đề như khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vướng mắc về thủ tục hành chính và quy định pháp lý, các quy định về kế toán, kiểm toán, thuế và các quy định về đầu tư, kinh doanh....

Với mong muốn đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, có chính sách quan tâm hơn nữa đến cơ sở hạ tầng khu công nghiệp...

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng nguồn cung cấp điện không ổn định, chất lượng điện thấp khiến cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều đến công suất sản xuất, cam kết dịch vụ với khách hàng... Đặc biệt, việc thiếu điện trong mùa Hè sẽ gây khó khăn rất lớn trong việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng lưu ý đến chương trình cải cách hệ thống thuế, cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực của ngành hải quan Việt Nam, đặc biệt là thủ tục thông quan một cửa, hải quan điện tử...

Tính đến hết ngày 20/9/2012, Nhật Bản có 1.748 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 28,6 tỷ USD, đứng thứ nhất trên 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, tổng số dự án đầu tư đăng ký của Nhật Bản tại Việt Nam là 203 dự án với tổng số vốn đăng ký mới là 3,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 82 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 955 triệu USD./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục