Bài toán chưa lời giải

Nợ công hoành hành - Bài toán chưa có lời giải

Dù cam kết thực hiện mọi biện pháp duy trì ổn định về tài chính song nỗ lực của các thể chế tài chính chưa phát huy tác dụng.
Mặc dù cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết trên tinh thần hợp tác và tin cậy để duy trì sự ổn định về tài chính và tăng trưởng kinh tế, song những nỗ lực của các thể chế tài chính thế giới trong thời gian qua dường như vẫn chưa phát huy tác dụng khi không thể giải tỏa được cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành châu Âu.

Thậm chí, cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ tiếp tục nhấn chìm các nền kinh tế lớn tại châu lục này và đẩy thế giới vào một thời kỳ suy thoái mới.

Tình trạng thu ít chi nhiều bắt đầu từ Hy Lạp đã đẩy quốc gia thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lớn chưa từng có, chiếm tới 13,6% GDP, và nợ công lên tới 115% GDP. Nền kinh tế một thời là “ngôi sao đang lên” của châu Âu đã phải cầu viện đến các thể chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã không thể điều trị được căn bệnh nợ công cho Hy Lạp và vì thế, "con quái vật" nợ công tiếp tục "vươn vòi" sang Ireland.

Trước nguy cơ một lần nữa rơi vào tình trạng vỡ nợ, Athens buộc lòng chấp nhận thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân trong nước.

Trước thực tế không thể dập tắt căn bệnh nợ công nguy hiểm, Italy và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 trong Khu vực đồng euro cũng buộc phải triển khai các chương trình “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt với hy vọng không phải đi theo vết xe đổ của những nước láng giềng.

Song các nhà phân tích cho rằng những điểm yếu của các nền kinh tế này như tình hình tài chính công và triển vọng tăng trưởng thấp chính là nguyên nhân khiến họ dễ bị tổn thương. Việc các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế dọa hạ mức xếp hạng tín dụng đối với nợ công của Italia cũng là do nước này không còn đủ khả năng kích thích tăng trưởng kinh tế trong gần một thập kỷ và nợ công được xếp vào một trong những mức cao nhất thế giới - khoảng 120% GDP.

Do không giải quyết được các vấn đề ngân sách, một số nước châu Âu đang phải đối mặt với khoản nợ ngày càng tăng có thể gây bất ổn nền kinh tế thế giới và khiến các nhà đầu tư quay lưng lại với trái phiếu chính phủ do những nước này phát hành. Chỉ riêng sự vỡ nợ của Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha cũng tương đương với cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ, vốn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Tuyên bố của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha và Italy nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng dường như không thể trấn an được thị trường. Khu vực đồng tiền chung bị đánh giá là không đủ mạnh để chống lại hiệu ứng lây lan. Mặc dù thỏa thuận mới giúp các nhà lãnh đạo trong khu vực có thể sử dụng quỹ cứu trợ lên tới 1.000 tỷ euro, song các nhà phân tích cho rằng số tiền này “quá khiêm tốn” để cung cấp cho một khu vực có quá nhiều tổn thương nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng cam kết cứu trợ cho Hy Lạp (270 tỷ euro) và Ireland (80 tỷ euro) trong hơn một năm qua, “phao cứu sinh” châu Âu dường như đã “đuối sức” để có thể thực hiện tiếp sứ mệnh của mình. Ngoài những khó khăn kinh tế, giới phân tích còn cho rằng châu Âu hiện chưa có giải pháp toàn diện để tiếp cận và giải quyết những vấn đề của khu vực. Việc châu Âu không tiến hành cải cách sâu rộng để thúc đẩy các nền kinh tế tăng trưởng trở lại cũng là một trong những nguyên nhân khiến lục địa này phải trả giá cho những tổn thất hiện nay.

Trong khi châu Âu chưa thuyết phục được giới đầu tư quốc tế về khả năng giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công, việc Standard and Poor's (S&P) hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống mức AA+ càng gây chấn động mạnh, đẩy các sàn chứng khoán châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào "cơn cuồng phong" mới, thậm chí thổi bùng lên nguy cơ về một đợt suy thoái mới.

Bài học Hy Lạp và Ireland cho thấy hậu quả từ việc các quốc gia vì quá vội vã gia nhập khu vực đồng euro đã quyết định áp dụng những biện pháp thiếu thận trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự chênh lệch trình độ kinh tế giữa các nước thành viên, cụ thể là giữa Ðức, Pháp với Hy Lạp, Ireland,... khiến quá trình phối hợp chính sách trong nhiều trường hợp trở nên khó khăn.

Một số nhà kinh tế cho rằng, do sử dụng đồng euro, các nước EU không thể sử dụng lãi suất và tỷ giá làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, EU không có chính sách lương, giá và thị trường lao động, hàng hóa đủ linh hoạt để ứng phó trước cú sốc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc hỗ trợ các nước thành viên kém phát triển cũng làm tăng gánh nặng tài chính đối với EU, khiến tổ chức này bị chỉ trích là lãng phí các nguồn lực lẽ ra phải dành cho các mục tiêu tăng trưởng bền vững và dài hạn chung của khối.

Từ vị trí một đồng tiền mạnh, đồng euro hiện đứng trước một tương lai không chắc chắn. Đã có lúc người ta nghĩ tới khả năng sụp đổ của đồng euro nếu châu Âu không giải cứu được các nền kinh tế khủng hoảng. Thời điểm “khai tử” của nó được dự báo sẽ xảy ra trong vòng 5-10 năm tới, song kịch bản này có thể đến sớm hơn nếu một thành viên nào đó trong khu vực từ bỏ đồng tiền này.

Một liên minh tiền tệ không có sự trợ giúp bền vững của một liên minh chính trị rộng lớn cùng với một cơ quan quản lý kinh tế chung, chắc chắn sẽ không dễ dàng đối mặt với những khó khăn chung.

Kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU tháng 12 năm ngoái, vấn đề cải cách đã luôn được nhắc tới như một con đường để giải cứu đồng euro, song sự ra đời của một chính thể thống nhất ở châu Âu vào thời điểm hiện nay là bất khả thi, nhất là khi giữa các quốc gia luôn tồn tại sự khác biệt lớn về địa lý, kinh tế và hệ thống chính trị. Đó chính là điểm yếu không dễ khắc phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Vì thế, bài toán nợ công vẫn chưa có lời giải./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục