Chứng khoán châu Á phân hóa do lo ngại về TBN

Thị trường chứng khoán châu Á phân hóa trong phiên 3/10, do những lo ngại của nhà đầu tư về chương trình xin cứu trợ của Tây Ban Nha.
Thị trường chứng khoán châu Á phân hóa trong phiên 3/10, khi những lo ngại về chương trình xin cứu trợ của Tây Ban Nha khiến nhà đầu tư phải đắn đo suy tính nhiều hơn.

Điểm sáng trên thị trường chứng khoán khu vực là việc chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Sydney đạt mức cao nhất trong 14 tháng qua, với 4.438,6 điểm, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương nước này bất ngờ hạ lãi suất cơ bản.

Sau hai ngày nghỉ lễ, thị trường Hong Kong đã hoạt động trở lại với sự ghi điểm nhẹ. Chốt phiên 3/10, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 47,90 điểm lên 20.888,28 điểm, đạt giá trị giao dịch 47,82 tỷ dolar Hong Kong (6,17 tỷ USD), nhờ sự hỗ trợ từ số liệu chế tạo được cải thiện của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản lại vừa trải qua một phiên giao dịch ảm đạm khi mọi sự chú ý đều dồn vào các vấn đề kinh tế trước cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật Bản vào cuối tuần này. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 giảm 39,18 điểm xuống 8.746,87 điểm.

Shigeo Sugawara, quan chức đầu tư hàng đầu thuộc Sompo Japan Nipponkoa Asset Management, nói rằng thị trường đang tác động từ "cuộc chiến" các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương cũng như những lo ngại liên quan đến tình hình kinh tế, ngay trước mùa công bố lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp.

Đêm trước tại Mỹ, sau khi ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc vào ngày đầu tiên của tháng 10, Phố Wall đã có sự trái chiều ngay trong phiên giao dịch 2/10, do tâm lý bất an của giới đầu tư trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu. Khi hai chỉ số Nasdaq và S&P vẫn duy trì đà tăng, thì chỉ số Dow Jones lại quay đầu giảm điểm do áp lực bán tháo gia tăng.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 32,75 điểm (0,24%) xuống 13.482,36 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 lại “nhích” nhẹ 1,26 điểm (0,09%), đứng ở mức 1.445,75 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng chỉ tăng nhẹ 6,51 điểm (0,21%), lên 3.120,04 điểm.

Tình trạng biến động bất nhất của thị trường cổ phiếu Mỹ chủ yếu chịu sự chi phối từ sự lo ngại của các nhà đầu tư về kinh tế Tây Ban Nha và cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng tại châu Âu.

Mở đầu phiên, các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt lên điểm, nhờ đồn đoán rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị một kế hoạch giải cứu cho Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đà tăng mạnh đã tuột dần khi thị trường bị “đói” các thông tin cụ thể.

Theo giới phân tích, nếu Madrid xin cứu trợ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải thực hiện việc thu mua trái phiếu và nhà đầu tư Mỹ sẽ bớt lo ngại về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với nền kinh tế số một thế giới.

Chính tình trạng không rõ ràng hiện nay đang dẫn tới những đánh giá cho rằng, thị trường sắp tới sẽ còn nhiều biến động và mức độ rủi ro đầu tư vẫn cao.

Ngoài những nhân tố trên, sự trồi sụt của các chỉ số chứng khoán Phố Wall trong phiên này còn xuất phát từ sự hoang mang của các nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh của các tập đoàn lớn, giữa bối cảnh nhu cầu hàng hóa từ châu Âu đang sụt giảm đáng kể.

Cũng trong phiên giao dịch 2/10 này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, không khí ảm đạm cũng bao trùm các thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 2/10 tại London, chỉ số FTSE 100 hạ 0,19% xuống 5.809,45 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 giảm 0,60%, xuống 3.414,23 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng mất 0,28%, còn 7.305,86 điểm./.

Trang Nhung (TTTXVN)

Tin cùng chuyên mục