HĐBA có vai trò sống còn để ngăn chặn hạt nhân

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, HĐBA có vai trò quan trọng sống còn trong cuộc chiến toàn cầu chống phổ biến hạt nhân.
Ngày 20/4, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá tiến bộ trong lĩnh vực giải trừ quân bị và an ninh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu bật vai trò quan trọng sống còn của cơ quan quyền lực này trong cuộc chiến toàn cầu chống phổ biến hạt nhân.

Cộng đồng quốc tế trông đợi Hội đồng Bảo an tiếp tục vai trò lãnh đạo nhằm tạo ra động lực chính trị cần thiết để đạt được hoà bình và an ninh trong một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần khẳng định phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí huỷ diệt cũng như các phương tiện để phóng các vũ khí này là mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh quốc tế, vì vậy các cuộc thảo luận về vấn đề này phải được duy trì ở cấp cao nhất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ghi nhận những phát triển đáng hoan nghênh đã đạt được từ sau hội nghị năm 2009 bao gồm những biện pháp để Nga và Mỹ thực hiện nhằm giảm kho vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước START mới, NATO lần đầu tiên đưa mục tiêu thế giới không vũ khí hạt nhân vào chương trình nghị sự của khối quân sự này cùng những nỗ lực đổi mới của các nước không vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông khẳng định hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân vẫn đang đe doạ nhân loại và hàng tỷ USD vẫn được chi để hiện đại hoá số vũ khí này bất chấp các nhu cầu xã hội bức xúc cũng như nguyện vọng toàn cầu về giải trừ loại vũ khí này.

[HĐBA LHQ thắt chặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên]


Trong khi đó, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vẫn chưa có hiệu lực quốc tế sau 16 năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị, diễn đàn thương lượng giải trừ quân bị toàn cầu, vẫn không đạt được thoả thuận về chương trình nghị sự suốt 12 năm qua. Đây là bế tắc không thể chấp nhận và đã đến lúc Đại hội đồng Liên hợp quốc phải thực hiện trách nhiệm hàng đầu thúc đẩy tiến trình giải trừ quân bị.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hoan nghênh Tuyên bố của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh vừa qua của CHDCND Triều Tiên. Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT) mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân, thúc đẩy hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hoà bình và tiến tới mục tiêu giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Mỹ với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2012 cũng nhấn mạnh các nỗ lực song phương và đa phương kể từ năm 2009 nằm trong đường lối toàn diện nhằm giảm nguy cơ và hiểm hoạ hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, mối đe doạ này vẫn khẩn cấp và thực tế. Hội đồng Bảo an có vai trò không thể thoái thác và không thể thay thế trong sứ mệnh loại trừ mối đe doạ này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục