"Tăng tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống"

Để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra và kiểm soát trên cơ sở theo dõi tình hình cung-cầu thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm tổ chức sáng nay (7/9), tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống.
Duy trì trần lãi suất huy động 14% Tại hội nghị, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành như hiện nay cũng như duy trì trần lãi suất huy động vốn bằng VND 14%/năm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Bên cạnh đó, trần lãi suất bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng là các tổ chức và dân cư cũng sẽ được giữ nguyên. Để tránh việc các tổ chức tín dụng lợi dụng đưa lãi suất huy động lên cao, Thống đốc ban hành Thông tư quy định về hoạt động ủy thác, nhận ủy thác đồng thời ban hành Chỉ thị về việc chấp hành trần lãi suất huy động cũng như xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm. Đặc biệt, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng không vượt quá 20% (khoảng 15-18%), Ngân hàng Trung ương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát trên cơ sở theo dõi tình hình cung-cầu trên thị trường. Riêng đối với cho vay bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra một số tổ chức có tăng trưởng tín dụng và hệ số vốn ngoại tệ cao đồng thời sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay... Mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước 4 tháng cuối năm là linh hoạt để kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với lượng tiền cung ứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với ổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc điều hành tỷ giá sẽ thực hiện theo hướng ổn định, nếu cần phải điều chỉnh thì chỉ theo diễn biến thực của đồng Việt Nam, nhưng không quá 1%. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ra can thiệp thị trường nếu cần thiết để hỗ trợ bình ổn giá. Việc điều hành thị trường vàng trong nước cũng sẽ được cơ quan này chú trọng trên cơ sở xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn thị trường vàng trong ngắn hạn và Phương án Ngân hàng Nhà nước huy động vàng trong nền kinh tế để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân có vàng cũng như tăng cường nguồn lực can thiệp của Nhà nước; trình chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất-kinh doanh vàng. Đồng thuận từ các ngân hàng Một số ngân hàng thương mại cho rằng, với các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, cần sự đồng thuận rất lớn của các ngân hàng thương mại nhằm giảm lãi suất đầu vào để trên cơ sở đó có thể giảm được lãi suất cho vay. Trước giờ khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết: "Chúng tôi là một trong số 12 ngân hàng đã được Thống đốc triệu tập từ cuối tháng 8. Ngay ở trong hội nghị đó, VPBank cam kết cùng với các ngân hàng khác chấp hành nghiêm trần lãi suất theo Thông tư 02 và Thông tư 14 cũng như đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không quá 20%." Ngày hôm nay cũng là buổi hội nghị triển khai rộng ra toàn ngành kể cả các ngân hàng thương mại Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) hoàn toàn chia sẻ với đồng nghiệp và đồng tình với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. “Theo tôi đây là định hướng đúng đắn vì với tình hình như trong thời gian vừa qua và xu hướng của năm 2011, việc giảm lãi suất cho vay là tất yếu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh,” ông Lê nhấn mạnh. Về vấn đề lãi suất huy động, ông Lê cũng đồng quan điểm với Ngân hàng Nhà nước là cần một sự đồng thuận và quyết tâm của các ngân hàng thương mại, chỉ khi lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất cho vay mới có thể giảm. Ông Lê cho hay, SHB cũng đã có một cuộc khảo sát thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng vốn của các doanh nghiệp hiện là rất lớn. “Do vậy, tôi tin rằng với những chính sách chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại thì việc thực thi các chính sách và nghiêm túc chấp hành lãi suất huy động và giảm lãi suất đầu ra theo chỉ đạo chung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là hiện thực,” ông Lê khẳng định./.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 30/8 tăng 9,16% so với cuối năm 2010.

Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm 2010, nhưng bằng khoảng 50% tốc độ tăng tín dụng dự kiến cả năm 2011 (khoảng 15-18%).

Ước đến cuối tháng 8/2011, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,79%, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%. Đáng chú ý, dư nợ cho vay để đầu tư-kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,12%.

Nợ xấu tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Đến cuối tháng 7 nợ xấu là 3,04%/tổng dư nợ cho vay, so với mức 2,16% cuối năm 2010.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục