Tạm ngừng nhập đường

Tạm ngừng nhập đường nhằm tiêu thụ trong nước

Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định sẽ tạm ngừng nhập đường đồng thời yêu cầu giãn tiến độ đến hết tháng Bảy với đơn hàng đã ký.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, do phải vay ngân hàng với lãi suất cao, cộng với lượng đường được cấp quota nhập khẩu về không đúng thời điểm, việc sản xuất và tiêu thụ đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, lượng đường nhập về vào cuối tháng 12/2010 và đầu tháng 1/2011-cao điểm của mùa vụ, cùng với lượng đường tồn kho, đã khiến giá đường trong nước liên tục rớt.

Tại buổi họp báo về cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011, do Bộ Công thương tổ chức sáng nay (13/5), thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định sẽ tạm ngừng nhập khẩu đường, đồng thời yêu cầu các đơn vị đã được cấp hạn ngạch cũng giãn tiến độ đến hết tháng Bảy.

Theo Vụ xuất nhập khẩu, cam kết gia nhập WTO không quy định đường là mặt hàng cấm nhập khẩu mà là một trong những nông sản được quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Thực tế trong nước, sản lượng đường sản xuất vụ 2010-2011 ước đạt 1,1 triệu tấn, thấp hơn nhu cầu khoảng 300-400 ngàn tấn. Bởi vậy, việc cấp phép nhập khẩu 250.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2011 là phù hợp với nhu cầu.

Bên cạnh đó, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến ngày 15/4 khoảng 525.000 tấn là nguồn hàng cần sử dụng cho 5-6 tháng tới khi chưa tới vụ chính.

Việc tiêu thụ đường trong 4 tháng đầu năm 2011 cũng vẫn diễn ra bình thường, thậm chí đã tăng cao hơn cùng kỳ năm 2010 khoảng 80.000 tấn. Giá bán đường hiện nay đã bảo đảm quyền lợi cho nông dân trồng múa và hiệu quả cho các nhà máy đường.

Kết quả thực hiện nhập khẩu 3 tháng, 4 tháng đầu năm 2011 cho thấy nguồn đường nhập khẩu không lớn và không tác động xấu đến sản xuất và tiêu thụ đường sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, dưới góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam, vẫn lo ngại giá đường trong nước sẽ bị ảnh hưởng vì đường nhập khẩu và dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, không kích thích được người nông dân đầu tư mở rộng sản xuất.

Về lâu dài, theo ông Long, cần có chính sách đồng bộ cho người nông dân và sản xuất và tích cực chống buôn lậu,  tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên vẫn cho rằng khó khăn chủ yếu của các nhà sản xuất trong nước chính là yếu tố tâm lý.

Liên bộ tài chính-công thương và Hiệp hội mía đường đã thống nhất rà soát lại tình hình sản xuất cân đối cung cầu đường và nhu cầu đường từ đầu năm đến cuối năm. So với cùng kỳ năm ngoái thì 7 tháng nhập 125 ngàn tấn thấp hơn nhiều so với cùng ky năm ngoái, Bộ đã giao các doanh nghiệp nhập khẩu về để sản xuất và bình ổn đến hết năm sẽ giãn tiến độ nhập khẩu, không ký hợp đồng mới.

Ngoài ra, liên bộ và các địa phương cũng sẽ tăng cường phối hợp nắm tình hình xuất nhập khẩu đường và tăng cường phòng chống nhập lậu đường qua biên giới.

Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, để bình ổn giá và chống lạm phát, các doanh nghiệp cần tính toán lại chi phí lưu thông để giá bán đến tay người tiêu dùng là tốt nhất./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục