Tổng thống Syria nỗ lực vì sứ mệnh của ông Annan

Ông Bashar al-Assad khẳng định, Syria sẽ nỗ lực hết sức để sứ mệnh của ông Kofi Annan thành công , nhằm lập lại ổn định tại Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 29/3 khẳng định, Syria sẽ nỗ lực hết sức để sứ mệnh của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan thành công tốt đẹp, nhằm lập lại an ninh và ổn định tại Syria.

Trước đó, hồi đầu tuần, ông Annan thông báo, Syria đã chấp thuận kế hoạch hòa bình gồm sáu điểm do ông đề xuất nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài một năm qua ở nước này. Kế hoạch bao gồm cam kết chấm dứt bạo lực, cho phép hỗ trợ nhân đạo và cho phép biểu tình hòa bình.

[Kêu gọi Syria thực hiện kế hoạch hòa bình 6 điểm]

Trong một thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại New Delhi, Ấn Độ ngày 29/3, Tổng thống Assad cho biết, Syria sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại dân tộc có sự tham gia của tất cả các phe phái tại Syria, nhằm tìm cách lập lại ổn định và an ninh cho đất nước.

Ông Assad cho rằng, để sứ mệnh của Đặc phái viên Annan thành công, cần tập trung chấm dứt mọi hình thức ủng hộ chủ nghĩa khủng bố tại Syria, đặc biệt từ những quốc gia đã tuyên bố tài trợ và trang bị vũ khí cho các nhóm khủng bố ở Syria.

Ông cũng nhấn mạnh để đổi lại cam kết của Chính phủ Syria đối với sáng kiến của ông Annan, phải có sự đảm bảo từ các bên khác chấm dứt mọi hành động khủng bố.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, các nhà lãnh đạo BRICS đã bày tỏ phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào các công việc nội bộ của Syria và nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt các hành động khủng bố của các nhóm vũ trang tại Syria. BRICS nhấn mạnh đối thoại là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đó, người phát ngôn của Liên hợp quốc Eduardo del Buey cho biết, Chính phủ Syria đã đồng ý cho phân phát hàng viện trợ nhân đạo thông qua Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập Syria (SARC).

Một xe hàng viện trợ gồm lương thực, chăn màn và các thiết bị vệ sinh được chuyển từ Damacus đến tỉnh Tartous.Việc phân phát hàng cứu trợ sẽ được bắt đầu trong ngày 30/3 và các hoạt động tương tự đã được lên kế hoạch tại các nơi khác.

Cùng ngày, hãng thông tấn chính thức của Syria SANA đăng bài chỉ trích tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh AL tại thủ đô Baghdad của Iraq.

SANA cho rằng, hội nghị đã ra "những quyết định thiên vị, phớt lờ các hành động khủng bố, phá hoại và các vụ ám sát nhằm vào dân thường, và các tài sản của tư nhân và nhà nước Syria."

Trong tuyên bố đưa ra, các nhà lãnh đạo AL bày tỏ ủng hộ việc thực hiện kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Kofi Annan, kêu gọi Chính phủ Syria và tất cả các phe phái đối lập ở nước này khởi động đối thoại nghiêm túc, đồng thời nhấn mạnh "Chính phủ Syria cần lập tức ngừng mọi hành động bạo lực."

Cũng tại hội nghị trên, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cảnh báo, việc cung cấp vũ khí cho các bên xung đột tại Syria sẽ dẫn tới chiến tranh tại Syria. Ông nhấn mạnh, Iraq ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Đặc phái viên Annan nhằm giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone cho biết, can thiệp quân sự vào Syria là lựa chọn cuối cùng đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong các nỗ lực chấm dứt bạo lực tại Syria.

Theo ông Ricciardone, vấn đề này nên được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng "đây là một bài toán không dễ tìm ra lời giải."

Dự kiến, Hội nghị "Những người bạn của Syria" lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 1/4 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz cũng cho biết, Ankara không có ý định đe dọa Syria bằng hành động quân sự và phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria, dù Ancara đang cân nhắc thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria.

Trong phản ứng của mình, lãnh tụ tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố, Tehran phản đối mọi can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào công việc hội bộ của Syria.

Phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đang ở thăm Iran, ông Khamenei khẳng định Tehran sẽ bảo vệ chế độ ở Syria, đồng thời cho rằng "những cải cách đang thực thi ở Syria cần được tiếp tục."

Cùng ngày, Anh thông báo tăng gấp đôi viện trợ phi quân sự cho phe đối lập ở Syria, trị giá 500.000 bảng (800.000 USD), và mở rộng viện trợ cả trang thiết bị, có thể cả điện thoại được bảo mật.

Tuy nhiên, giới chức Anh khẳng định không thay đổi lập trường phản đối vũ trang cho quân nổi dậy. Cho tới nay, Anh tham gia hỗ trợ phe đối lập Syria huấn luyện một số lĩnh vực như kỹ năng truyền thông.

Bộ Ngoại giao Bỉ cùng ngày thông báo đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Syria do tình hình an ninh ở thủ đô Damacus ngày càng xấu đi, đồng thời nhằm phản đối các hành động bạo lực đối với dân thường.

Theo bộ trên, Bỉ đã triệu hồi đại sứ và sẽ chỉ giữ lại một nhà ngoại giao tại các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) ở Syria.

Hiện các nước Pháp, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa sứ quán và phái bộ tại Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục