Khép lại cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras

Tổng thống Honduras đương nhiệm và Tổng thống bị lật đổ ký hiệp ước khép lại cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn hai năm qua.
Ngày 22/5, tại thành phố Cartagena của Colombia, Tổng thống Honduras đương nhiệm Porfirio Lobo và Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya đã ký hiệp ước chính thức khép lại cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn hai năm qua tại quốc gia Trung Mỹ này.

Theo văn kiện trên, được Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đồng soạn thảo, Tổng thống bị phế truất Zelaya sẽ được trở về Honduras sau hai năm sống lưu vong ở Cộng hoà Dominica và Honduras sẽ được tái kết nạp vào Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS).

Hiệp ước này cũng kêu gọi đối xử công bằng với ông Zelaya và những người ủng hộ ông này, đảm bảo cựu chính khách này về nước an toàn; hối thúc chính quyền Honduras tiến hành trưng cầu ý dân về cải cách các đạo luật cơ bản; tôn trọng các quyền con người và điều tra các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, văn kiện trên cũng nhấn mạnh sự cần thiết đảm bảo môi trường chính trị minh bạch, theo đó những người từng ủng hộ cựu Tổng thống Zelaya được phép tham gia đời sống chính trị trong nước và cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014 với tư cách là một chính đảng.

Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống Colombia Santos khẳng định Hiệp ước Cataghena là nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras kể từ sau vụ đảo chính hồi tháng 6/2009, lật độ chế độ của Tổng thống hợp hiến Zelaya, buộc ông này phải sống lưu vong tại nước ngoài và OAS đình chỉ tư cách thành viên của Honduras. Trước đó, ông nhấn mạnh sự trở về quê hương của Tổng thống bị lật đổ Zelaya sẽ mở ra cánh cửa tái gia nhập OAS của Honduras.

Từ thủ đô Caracas, Tổng thống Venezuela Chavez khẳng định các nước sẽ giám sát quá trình thực thi các cam kết trong hiệp ước trên. Trước đó, cựu Tổng thống Zelaya khẳng định sẽ trở về quê hương vào ngày 28/5 tới.

Honduras đã rơi vào khủng hoảng chính trị và bị cộng đồng quốc tế cô lập sau vụ binh biến ngày 28/6/2009. Quốc gia Trung Mỹ này sau đó đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và bị tạm đình chỉ tư cách thành viên OAS.

Những sóng gió trên chính trường Honduras chỉ tạm lắng sau khi ông Porfirio Lob) đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái và chính thức nhậm chức ngày 27/1 vừa qua.

Hiện nhiều nước Mỹ Latin, trong đó có Brazil, vẫn chưa công nhận chính quyền hiện hành của Honduras. Tuy nhiên, trung tuần tháng 7/2010, Honduras đã được kết nạp trở lại Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA), tạo tiền đề quan trọng để nước này sớm tái gia nhập OAS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục