Giảm sút thu hút FDI trong tháng 1 không đáng lo

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng sự giảm sút vốn FDI tháng đầu năm 2012 là do kỳ nghỉ Tết dương lịch và âm lịch sát nhau.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng sự giảm sút nguồn vốn FDI trong tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ là do kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết âm lịch sát nhau.

Song song với đó, tâm lý các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án sản xuất kinh doanh vào “năm Rồng” với tâm linh là làm ăn thuận lợi hơn. Vì vậy, việc giảm sút thu hút FDI trong tháng 1 không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Năm 2012, kế hoạch thu hút FDI không quá quan tâm đến vốn đăng ký mà tập trung vào chất lượng vốn giải ngân và hiệu quả của các dự án.

Từ định hướng này, yêu cầu cấp thiết là xây dựng và điều chỉnh một số cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi, khuyến khích đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2012, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chỉ đạt 37,3 triệu USD, bằng 2,5% cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn đăng ký của 25 dự án được cấp phép mới đạt 29,5 triệu USD, bằng 33,8% số dự án và bằng 2,4% số vốn so với cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 5 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 7,8 triệu USD.

Cùng với đó, vốn đầu tư FDI thực hiện trong tháng 1 ước tính chỉ đạt 400 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong tháng 1, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 27,1 triệu USD vốn đăng ký, bao gồm 26,8 triệu USD của 14 dự án cấp phép mới và 0,3 triệu USD vốn tăng thêm; ngành xây dựng đạt 8,4 triệu USD, trong đó vốn đăng ký mới là 1,4 triệu USD và 7 triệu USD vốn tăng thêm.

Trong số 12 tỉnh, thành phố có dự án FDI được cấp phép mới trong tháng 1/2012, Thành phố Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 13 triệu USD, chiếm 44,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp đến là Thanh Hóa 3,5 triệu USD, chiếm 11,9%; Hà Nam 3,2 triệu USD, chiếm 10,9%; Hưng Yên 3 triệu USD, chiếm 10,2%.

Trong số 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới trong tháng 1/2012, Pháp vươn lên là nhà đầu tư lớn nhất với 10 triệu USD, chiếm 34% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Đứng thứ hai là Nhật Bản với 8,1 triệu USD, chiếm 27,4%; Hàn Quốc 5,4 triệu USD, chiếm 18,4%; Singapore 2 triệu USD, chiếm 6,8%...

Ông Hoàng cũng cho biết ngày 1/2 vừa qua, dự án Nhà máy sản xuất lốp ôtô với tổng vốn đăng ký 575 triệu USD tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) của Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đã chính thức được cấp phép.

Ngoài ra, Tập đoàn Shin-Etsu - tập đoàn công nghiệp hóa học lớn nhất của Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ yên (tương đương 64 triệu USD) để xây dựng hai nhà máy phân loại, tái chế đất hiếm và sản xuất vật liệu silicon dùng trong sản xuất đèn LED tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mặc dù những dự báo cho thấy sẽ còn nhiều khó khăn trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, tuy nhiên nếu nhìn một cách tích cực thì những cam kết từ của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, là một dấu hiệu khả quan cho thu hút FDI năm 2012.

Kết quả khảo sát Chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu quý 1 năm 2012 vừa được EuroCham công bố cũng cho thấy có khoảng 38% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có kế hoạch tăng mức đầu tư, trong khi 31% muốn duy trì mức đầu tư của họ và 24% có kế hoạch giảm đầu tư tại Việt Nam trong trung hạn.

Nhiều chuyên gia nhận định, khủng hoảng nợ của châu Âu chưa được giải quyết đã phần nào tác động đến đầu tư châu Âu tại Việt Nam.

Ông Matthias Duehn, Giám đốc điều hành EuroCham tại Việt Nam nhận định các nhà đầu tư châu Âu đang ngày càng tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN.

Do đó, Việt Nam cần tăng cường các nỗ lực để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục