Phản ứng sau đánh giá về triển vọng nợ của Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng việc S&P hạ triển vọng nợ của Mỹ từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực" là coi thường khả năng của giới lãnh đạo Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/4 cho rằng việc Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) lần đầu tiên hạ triển vọng nợ của Chính phủ Mỹ từ "ổn định" xuống mức "tiêu cực" là sự coi thường khả năng của giới lãnh đạo Mỹ trong việc giải quyết những khó khăn về tài chính mà nước này đang phải đối đầu.

Tuyên bố của bà Mary Miller, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đưa ra ngay sau khi S&P thông báo hạ mức đánh giá đối với triển vọng nợ của Mỹ, nhắc lại tuyên bố hồi tuần trước của Tổng thống Barack Obama rằng tình hình tài chính hiện nay nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ và chính quyền đã xúc tiến quá trình thảo luận biện pháp phục hồi trách nhiệm về mặt tài chính.

Bà Miller khẳng định nền kinh tế Mỹ đang được củng cố sau khi thoát khỏi suy thoái và cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đã thống nhất với nhau rằng giờ là thời điểm để bắt đầu giảm thâm hụt ngân sách.

Bà dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cho biết Quốc hội sẽ nâng mức trần nợ liên bang vì giới hạn nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ ở mức 14.300 tỷ USD vào trước ngày 16/5 tới.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng đánh giá của S&P là lời nhắc nhở hai đảng phải đạt được thỏa thuận cắt giảm ngân sách.

Theo ông Carney, quá trình chính trị hiện đang diễn ra tại Mỹ sẽ đáp ứng mong muốn của S&P về việc Washington phải có kế hoạch cắt giảm thâm hụt trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012 vì cả Tổng thống Obama và Quốc hội đều đã ghi nhận vấn đề gay cấn này và đều đã khuyến nghị các biện pháp cắt giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết quá trình thương lượng giữa các đảng cũng như giữa chính quyền với quốc hội sẽ sớm bắt đầu để đạt được thỏa thuận.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor gọi việc S&P hạ thấp triển vọng nợ của Mỹ là "lời thức tỉnh" đối với những ai đang mù quáng tìm cách nâng hạn mức nợ.

Trái lại, ông William Gale, nhà nghiên cứu có tiếng thuộc Viện nghiên cứu Brookings cho rằng nâng hạn mức nợ là "một việc làm hoàn toàn bình thường đối với Mỹ - quốc gia vốn đã nâng hạn mức nợ 74 lần trong 50 năm qua."

Theo ông Gale, từ chối không nâng hạn mức nợ chỉ thổi thêm dầu vào lò lửa chính trị, mà vấn đề chính là làm thế nào để điều chỉnh chi tiêu và các loại thuế để giúp bình ổn tài chính trong tương lai.

Trong số những người hoan nghênh đánh giá của S&P's có cả những nghị sỹ được sự ủng hộ của phong trào bảo thủ Đảng Trà (Tea Party) - lực lượng chính trị đã có đóng góp rất lớn vào thành công của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010, giúp đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện.

Ông Blake Farenthold, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa và thành viên nhóm ủng hộ Đảng Trà trong Hạ viện, tuyên bố đánh giá của S&P's cũng giống với lập trường của Đảng Trà là chính quyền đang tiêu quá nhiều tiền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục