NATO thảo luận về triển khai tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO họp tại Brussels, thảo luận kế hoạch bố trí tên lửa Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ngày 4/12, cuộc họp cấp ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức khai mạc tại Brussels, Bỉ, với một trong những nội dung thảo luận chính là kế hoạch bố trí tên lửa Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều nước NATO đã bày tỏ lo ngại về khả năng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Phát biểu ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng tức thì nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học, bởi đây là điều không thể chấp nhận được.

Ông Rasmussen cho biết trong ngày họp đầu tiên, ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO sẽ chính thức đưa ra quyết định về việc triển khai tên lửa đất đối không Patriot dọc biên giới phía Đông-Nam Thổ Nhĩ Kỳ, thể theo yêu cầu của nước này, nhằm bảo vệ thành viên của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào.

Tổng Thư ký NATO cũng nhấn mạnh việc triển khai tên lửa Patriot chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ chứ không nhằm thiết lập vùng cấm bay hay mở một chiến dịch tấn công nào. Tuy nhiên, trước đó, Nga đã nhiều lần phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa gia tăng xung đột trong khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/12, cũng cảnh báo việc NATO triển khai các tên lửa Patriot tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, có thể gây ra một cuộc xung đột lớn hơn, kéo theo sự tham gia của cả liên minh quân sự phương Tây.

Cũng tại ngày họp đầu tiên, cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO sẽ thảo luận một loạt vấn đề như tình hình Syria, việc triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng như triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại châu Âu.

Theo ông Rasmussen, quan hệ giữa Nga và NATO đã có những tiến bộ đáng kể trong năm 2012 và mối quan hệ này đang đi đúng hướng. NATO mong muốn "tiếp thêm năng lượng mới" nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này trong những năm tới.

Trong ngày làm việc thứ hai cũng là ngày cuối, ngoài cuộc họp Hội đồng Gruzia-NATO, các ngoại trưởng NATO có cuộc gặp với các nước đối tác nhằm thảo luận việc đóng góp tài chính cho các lực lượng an ninh của Afghanistan sau khi NATO và các nước đối tác chính thức rút quân khỏi quốc gia Nam Á này vào cuối năm 2014./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục