Luật phòng, chống tham nhũng phải phù hợp thực tiễn

Sáng 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Sáng 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nội dung buổi làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến nhận xét Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng. Qua sáu năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đánh giá Luật phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Một số ý kiến phân tích, nêu lên một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Các ý kiến thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong sáu năm qua.

Một số ý kiến cho rằng nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định. Việc sửa đổi phải bảo đảm các quy định phù hợp với thực tiễn, nhất là phải toàn diện, đầy đủ và cụ thể thì mới tạo điều kiện cho công tác tổ chức thực hiện, qua đó góp phần phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Mở rộng hay thu hẹp phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản?

Xung quanh quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, các đại biểu tập trung phân tích và đề xuất các ý kiến cụ thể để khi Luật đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, tránh tình hình thức.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) có quan điểm về lâu dài cần thiết mở rộng đối tượng kê khai tài sản để đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên đại biểu đánh giá, với phạm vi đối tượng như trong luật hiện hành nhưng chưa thực hiện chắc chắn, việc mở rộng đối tượng trong thời gian tới sẽ khó thực hiện, khó hiệu quả.

Theo đại biểu, điều mấu chốt là nâng cao hiệu quả, bổ sung các biện pháp quản lý kiểm soát có tính khả thi, trong đó đặc biệt chú ý tới các chế tài xử lý vi phạm. Từ những phân tích này, đại biểu tán thành với những quy định trong dự thảo Luật quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Vấn đề này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) có quan điểm khác, cho rằng đối tượng phải kê khai tài sản cần được mở rộng, tất cả cán bộ, công nhân viên chức nhà nước đều cần kê khai tài sản. Theo đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức đều có thể liên quan tới quản lý tài sản, tiếp xúc giải quyết công việc của người dân. Đại biểu đánh giá đây là đòi hỏi tất yếu trong công khai, minh bạch thu nhập, làm cơ sở cho việc phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng ngoài các đối tượng phải kê khai tài sản đã quy định cần bổ sung thêm đối tượng con thành niên của những đối tượng này. Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần có cơ chế thu hồi tài sản nếu tài sản hiện có vượt quá những thứ đã kê khai mà không chứng minh, không giải trình được.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cũng tán thành với quan điểm đối tượng kê khai cần phải mở rộng. Đại biểu đánh giá việc kê khai minh bạch tài sản trên thực tế vẫn còn hình thức, hiệu quả ngăn chặn tham nhũng thấp. Hơn nữa theo đại biểu, quy định đối tượng phải kê khai tài sản đang bị trống một khoảng lớn đó là các đối tượng liên quan như con thành niên, bố mẹ, anh, chị, em ruột…

Theo đại biểu, đây là một sơ hở vì sẽ có sự dịch chuyển tài sản cho người thân nắm giữ. Do vậy đại biểu đề xuất cần mở rộng đối tượng phải kê tài sản và coi đây là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) nhất trí với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với tính chất, mức độ của tình trạng tham nhũng hiện nay, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, đại biểu kiến nghị bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của công dân, công chức, viên chức về tham nhũng. Ủy ban này có quyền đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng. Người đứng đầu Ủy ban do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách hoạt động của Ủy ban do Quốc hội phê duyệt.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) ủng hộ quan điểm không giao chức năng phòng, chống tham nhũng cho cơ quan hành pháp. Theo đại biểu ở nhà nước pháp quyền, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan tư pháp hoặc thuộc một cơ quan độc lập do Quốc hội chỉ định hoặc bầu ra thì mới phù hợp.

Trong dự thảo luật, Ban soạn thảo không đề cập về Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, nhưng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lòng dân, đại biểu đề nghị nghiên cứu thiết kế một điều luật riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng. Qua đó thể hiện công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và phải tuân theo pháp luật, đảm bảo tính kế thừa liên tục trong công tác này.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia độc lập phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, bao gồm các cơ quan chức năng và những người đủ mạnh, đủ tâm, đủ tài để thực hiện có kết quả, hiệu quả đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại có quan điểm khác, cho rằng thành lập cơ quan chống tham nhũng ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý. Theo đại biểu, đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, của người dân. Quốc hội là cơ quan lập pháp và có chức năng giám sát các hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ. Do vậy, việc thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không hợp lý.

Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Đại biểu Mã Điền Cư đánh giá Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành chưa quy định về công khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Do đó, những quy định này chỉ mang tính hình thức, tính hiệu quả và tính khả thi không cao, không kiểm soát được tài sản thu nhập cũng như không phát huy được tác dụng trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Đại biểu nêu lên một thực tế cho thấy những vụ tham nhũng không được phát hiện nhiều tại nơi làm việc, mà đa số từ phía nhân dân và giới báo chí. Đại biểu đề nghị cần đưa chế định về công khai bảng kê khai tài sản, thu nhập cả nơi người có nghĩa vụ thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cần có những quy định về quy trình, thủ tục công khai nơi cư trú thật chặt chẽ, tránh lạm dụng vào mục đích tiêu cực.

Không cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên cho rằng, không nên công khai bản kê khai tài sản cả nơi cư trú vì lo sợ bị đối tượng xấu lợi dụng. Hơn nữa, đại biểu cho rằng tại nơi cư trú nếu chỉ căn cứ vào bảng kê khai tài sản, thu nhập để giám sát, phát hiện ra việc kê khai thiếu trung thực là khó thực hiện được./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục