"Lá chắn hạt nhân" của Liên bang Nga tròn 60 năm

"Lá chắn hạt nhân" của Nga giúp răn đe, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời bảo đảm hoà bình trên thế giới.
Ngày 1/12, "Lá chắn hạt nhân" của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga tròn 60 năm (1/12/1951-2011).

Chủ tịch Tập đoàn nguyên tử Nga Rosatom, ông Sergey Kirienko, cho biết cách đây 60 năm, tại cơ sở mật mang tên Arzamas-16 mà từ năm 1995 được đổi thành Sarov, Liên Xô trước đây đã đưa vào sản xuất hàng loạt mô hình đầu tiên của quả bom nguyên tử RDS-1, loại "Lá chắn hạt nhân" có chức năng vừa răn đe, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời góp phần bảo đảm hoà bình và ổn định trên thế giới.

Trong những năm chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, Nhà nước Xô Viết đã giao nhiệm vụ cho ba nhà vật lý hạt nhân hàng đầu gồm các viện sĩ Igor Kurchatov, Yuri Khariton và Anatoly Alexandrov nghiên cứu thành lập Phòng thí nghiệm thiết bị đo đạc số 2 (nay là Học viện Kurchatov).

Năm 1946, Phòng thí nghiệm số 2 đã sáng lập Văn phòng thiết kế KB-11, một xí nghiệp tối mật nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Năm 1949, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra nghị định về mở rộng KB-11 thành xí nghiệp đầu tiên nhằm đưa vào chế tạo hàng loạt vũ khí hạt nhân mang tên "Tiền phong" (Avangard). Việc Liên Xô tiến hành thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên RDS-1 vào năm 1949 đã làm mất vị thế độc quyền của Mỹ về vũ khí hạt nhân. Năm 1951, nhà máy "Tiền phong" bắt đầu sản xuất hàng loạt các quả bom nguyên tử.

Hiện tại Sarov vẫn còn kho chứa vũ khí lưu giữ toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân được sản xuất từ năm 1949 cho đến nay. Ngoài việc thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng, nhà máy Sarov còn sản xuất nhiều mặt hàng dân dụng như siêu máy tính, các thiết bị vô tuyến điện tử, y tế..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục