Thảm họa ở Nhật chỉ tác động hạn chế đến ASEAN

Theo các nhà kinh tế, tác động mà thảm họa động đất và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản gây ra đối với Đông Nam Á sẽ là hạn chế.
Theo các nhà kinh tế, tác động mà thảm họa động đất và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản gây ra đối với Đông Nam Á sẽ là hạn chế - mặc dù cuộc khủng hoảng hạt nhân kèm theo bạo loạn ở vùng Vịnh Persic có thể gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, ảnh hưởng mạnh tới thị trường khu vực này trong ngắn hạn.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Nhật Bản còn là nước tài trợ ODA lớn nhất ở khu vực này. Mối quan hệ kinh tế này đã khiến cho thảm họa ở Nhật Bản trở thành nguyên nhân gây lo ngại đặc biệt ở ASEAN trong bối cảnh khối này chỉ mới vừa hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009.

Một số nhà phân tích cảnh báo sự tăng trưởng chậm lại của Nhật Bản có thể làm trật bánh sự hồi phục non nớt đó.

Eric Sugandi, nhà nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Standard Charter ở Jakarta, dự đoán: "Nền kinh tế (Nhật Bản) sẽ bị thu hẹp trong quý này và ba tháng tiếp theo. Nhưng các dự án tái thiết sẽ bơm tiền và giúp nền kinh tế này hồi phục (trong giai đoạn trung hạn)."

Về dài hạn, một số ý kiến cho rằng Nhật Bản sẽ buộc phải xem xét lại cách thức can dự của mình với ASEAN. Do những khó khăn về tài khóa mới đây, vị thế nổi trội về thương mại và đầu tư của Nhật Bản tại khu vực đã giảm sút. Bởi vậy, dù Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN, tác động từ sự sụt giảm thương mại có thể sẽ không mạnh so với cách đây 10 năm (nếu như xảy ra thảm họa).

Joseph Stiglitz, Giáo sư kinh tế tại trường Đại học Columbia, nói: "Đó chỉ là một sự bất ổn thêm vào sự bất ổn mà các nước đang phải đối mặt."

Theo ông, Trung Quốc, nước đã ký hiệp ước tự do thương mại với ASEAN vào năm ngoái, hiện đang có một vai trò lớn hơn trong khu vực sau khi đã vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong năm 2010. Ông nói: "Về mặt nào đó, các nền kinh tế đang ngày càng đa dạng hóa."

Hiện tại, ảnh hưởng của trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân ở trung tâm công nghiệp Nhật Bản là nhân tố gây bất ổn đối với các thị trường toàn cầu. Tình trạng mất điện đã buộc các nhà sản xuất ôtô và hàng điện tử tiêu dùng lớn như Sony, Nikon và Panasonic phải ngừng sản xuất. Và việc đóng cửa các xí nghiệp sản xuất các linh kiện điện tử và máy tính của Toshiba và Fujitsu đã gây nên những lo ngại về việc nguồn hàng cung cấp sẽ bị gián đoạn kéo dài.

Theo Thời báo New York, giá các chip dữ liệu do Toshiba sản xuất đã tăng hồi đầu tuần, và các nhà phân tích dự báo các công ty nhỏ ở Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ phải gánh sức nặng của việc tăng giá. Các công ty ở Thái Lan cũng đã chuẩn bị cho việc thu hẹp sản xuất. Các tập đoàn của Mỹ cho rằng cách thức sản xuất của Nhật Bản - chỉ cung cấp vừa đủ cho các công ty để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn - có thể sẽ làm gián đoạn sản xuất của họ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng đa số các quốc gia ASEAN có đủ hàng trong kho để đảm bảo hoạt động sản xuất công nghiệp trong thời gian ngắn hạn, làm giảm bớt nguy cơ gây biến động tới tình hình thương mại toàn cầu. Việc khu vực bị tác động nặng nề nhất bởi thảm họa vừa qua nằm ngoài trung tâm công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản và chỉ chiếm 6,2% GDP của nước này cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

Hiện giờ, mối lo ngại lớn hơn là tập trung vào khả năng ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân của Nhật Bản. Tình trạng mất điện trên phạm vi rộng đang diễn ra tại Nhật Bản do nước này đang cố gắng ngăn chặn thiệt hại nặng nề hơn nữa của các lò phản ứng hạt nhân - vốn cung cấp khoảng 30% nhu cầu điện cho cả nước.

Giới phân tích cho rằng Nhật Bản có thể sớm phải nhập khẩu nhiên liệu ít lưu huỳnh, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá để đáp ứng nhu cầu điện của cả nước.

Các nhà phân tích cho rằng Indonesia và Thái Lan sẽ được lợi từ việc thực hiện các đơn đặt hàng khẩn cấp này. Phát ngôn viên của công ty dầu khí quốc gia Pertamina của Indonesia cho biết công ty này có khoảng 20 tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẵn sàng tới Nhật Bản.

Theo tin tức truyền thông, Công ty xăng dầu Bangchak Petroleum PCL của Thái Lan hiện bán khoảng 40-50 triệu lít dầu madút cho Nhật Bản mỗi tháng, cũng kỳ vọng sẽ có thêm đơn đặt hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục