Nguy cơ khủng hoảng nợ tại Eurozone trầm trọng

Ngày 30/11, đám mây đen trên "bầu trời tài chính" Khu vực đồng euro (Eurozone) đã "sẫm màu" hơn, với việc đồng euro tiếp tục trượt giá.
Ngày 30/11, đám mây đen trên "bầu trời tài chính" Khu vực đồng euro (Eurozone) đã "sẫm màu" hơn, với việc đồng euro tiếp tục trượt giá và Italy bắt đầu phải nâng lãi suất trái phiếu chính phủ.

Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát nợ nhà nước được lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua tại cuộc họp khẩn cấp cuối tuần trước không giải tỏa được tâm trạng lo ngại trong giới đầu tư về nguy cơ bùng nổ khủng hoảng nợ công trong toàn khu vực này.

Đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ giữa tháng 9 vừa qua với một euro đổi được 1,2969 USD, so với 1,3121 lúc kết thúc phiên giao dịch hôm trước.

Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng lên trên 5,5% so với 5,46%, trong khi chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ của nước này với lãi suất vay mượn chủ chốt của Đức cũng tăng 3,3 điểm phần trăm, mức cao nhất từ trước đến nay. Lãi suất trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha cũng tăng từ 7,0% lên 7,072%.

Italy cũng đang phải chịu sức ép tài chính khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này tăng lên 4,687% so với 4,638% trong phiên giao dịch ngày hôm trước. Mức chênh giữa lãi suất này của Italy với lãi suất vay mượn chủ chốt của Đức lần đầu tiên lên đến 2%.

Theo nhà kinh tế Marco Valli làm việc tại ngân hàng UnitCredit, phản ứng trên của thị trường là "thái quá," song nó cho thấy một cơn hoảng loạn trên thị trường trái phiếu châu Âu, chứng tỏ cuộc khủng hoảng lòng tin trong Khu vực đồng euro đã bước vào "giai đoạn nghiêm trọng hơn," có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải vào cuộc.

Trong một động thái được xem là nhằm xoa dịu bầu không khí căng thẳng trên thị trường trái phiếu châu Âu, Chủ tịch ECB Jean-Klaude Trichet khẳng định cỗ máy kinh tế Khu vực đồng euro đang vận hành và đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến trong năm nay.

Theo ông Trichet, giới quan sát có xu hướng đánh giá thấp quyết tâm của các chính phủ Khu vực đồng euro nói riêng và EU nói chung trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ bùng nổ khủng hoảng nợ trong khu vực.

Tuy nhiên, ông thừa nhận EU cần minh bạch hơn trong các biện pháp đối phó khủng hoảng vừa được thông qua.

Ông Trichet kêu gọi các chính phủ Khu vực đồng euro giám sát ngân sách của nhau và siết chặt kỷ luật ngân sách chung nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng, đồng thời nhấn mạnh EU cần có một "liên minh ngân sách" tương tự như liên minh tiền tệ hiện nay của tổ chức này.

Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp đối phó khủng hoảng của EU "chưa đi đủ xa." Quyết định của EU cho phép các nước thành viên cơ cấu lại nợ sau năm 2013, điều được coi là cấm kỵ lâu nay, là một tín hiệu cảnh báo người giữ trái phiếu chính phủ có thể phải chia sẻ trách nhiệm cứu trợ vỡ nợ.

Các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ireland là những quyết định "không dứt khoát," có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư rút khỏi thị trường trái phiếu châu Âu. Sự "trượt dốc" của đồng euro cho thấy các nhà đầu tư không tin các gói cứu trợ này có thể giảm nhẹ sức ép tài chính đối với Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC), nếu Bồ Đào Nha không thực hiện triệt để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" thì nợ nhà nước của quốc gia này sẽ "leo thang" từ 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2009 lên 85% năm 2010 và 100% vào năm 2014.

Thâm hụt ngân sách nhà nước của Bồ Đào Nha có thể tăng từ 8% trong năm ngoái lên 8,6% trong năm nay. Nợ công của Tây Ban Nha trong năm nay có thể lên tới 70% và thâm hụt ngân sách nhà nước lên tới 11% (GDP).

Trong bối cảnh nợ công của toàn bộ 27 nước thành viên EU có thể lên tới 100% GDP của tổ chức này vào năm 2014, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2% trong năm nay và 1,5% trong năm tiếp theo, các nhà phân tích giờ đây tập trung chú ý vào nguy cơ khủng hoảng nợ lan rộng trong toàn Khu vực đồng euro hơn là hiệu quả cứu trợ Ireland.

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được xem là những con bài đôminô tiếp theo do các nước này đều phải đối phó với mức nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục