"Phấn đấu đưa kinh tế Tây Nam bộ bằng cả nước"

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ lưu ý phấn đấu đưa kinh tế của  Tây Nam bộ ngang bằng cả nước.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2009 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tổ chức ngày 29/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phấn đấu đưa kinh tế của vùng Tây Nam bộ ngang bằng với cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương đã phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm với thành tích cao, tương đối toàn diện, góp phần cùng với cả nước kiềm chế lạm phát.

Khu vực Tây Nam bộ đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần gấp đôi của cả nước, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và đưa các nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định, ông Hùng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý ngành giao thông, trong việc thực hiện các công trình trọng điểm, việc quy hoạch phát triển thủy lợi phải gắn với vấn đề giao thông, hệ thống đê điều, quy hoạch vùng phải đồng bộ, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, gắn việc xây dựng cơ sở hạ tầng với vấn đề ổn định dân cư.

Đối với ngành giáo dục, ông Hùng cũng lưu ý cần quan tâm đến vấn đề đào tạo, kêu gọi học sinh ra lớp cao hơn nữa, chú trọng xây dựng trường ra trường, trường phải đạt chuẩn, trường tốt, dạy tốt thì mới có học sinh tốt, học sinh giỏi; phấn đấu từ nay đến năm 2015, các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế cả nguồn lực, thiết bị, cơ sở vật chất phải đạt chuẩn.

Trong việc phát triển nông thôn mới cần chú trọng nhưng cũng không quên quản lý, phát triển tốt đô thị, đảm bảo vấn đề môi trường, nước sạch, điện hóa cho dân... Phát triển nông thôn mới chính là quan tâm đến 80% dân số của vùng, người hưởng lợi chính là những người nông dân nghèo, cận nghèo. Toàn vùng phải phấn đấu đến năm 2015 có 60% dân số đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vùng Tây Nam bộ là vùng nông sản hàng hóa trọng điểm của cả nước, sản phẩm chủ yếu là lúa, cá, tôm; cây trái nên trong quy hoạch phát triển sản xuất cần kết hợp đồng bộ với giải pháp tiêu thụ hàng hóa, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đưa công nghệ cao, máy móc cơ giới vào; đồng thời đòi hỏi phải thu hút lao động có tay nghề, có kinh nghiệm và cần các viện khoa học, nhà quản lý cùng tham gia với nông dân, với địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong khu vực phấn đấu hơn nữa trong năm tới, năm kết thúc kế hoạch 5 năm, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp diễn ra thành công, tiếp tục xây dựng hệ thống chính quyền mạnh. Năm sau phải phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm nay, mặt bằng kinh tế, xã hội, mức thu nhập trên đầu người, hưởng thụ y tế, giáo dục văn hóa tinh thần của cả vùng đạt mức ngang bằng với bình quân chung cả nước, chuẩn bị tốt và có tầm nhìn đến năm 2015-2020.

Đánh giá tình hình Tây Nam bộ trong năm 2009, ông Sơn Song Sơn, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết trong năm 2009, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện tốt việc đôn đốc, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng; kiểm tra việc thực hiện các công trình trọng điểm phục vụ an sinh xã hội... nên mặc dù bị tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng Tây Nam bộ vẫn ước đạt 10,08% (cả nước là 5,2%).

Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 973 USD/người/năm, tăng hơn 9,3% so với năm 2008 (bình quân cả nước là 1.100 USD/người/năm). Giá trị sản xuất toàn vùng ước đạt gần 302.970 tỷ đồng, tăng gần 11,5% so với năm ngoái. Tổng sản lượng lúa ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn; sản lượng thủy, hải sản ước đạt trên 2,64 triệu tấn, tăng gần 14,8%. Sản xuất công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng hơn 19%, đạt giá trị sản xuất trên 73.750 tỷ đồng.

Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao như Cà Mau, tăng hơn 18%; Tiền Giang tăng 17,7%; Kiên Giang tăng 10,6%. Toàn vùng cũng xuất khẩu đạt 5,53 tỷ đồng, giảm 2,35% so với năm 2008; thương mại dịch vụ đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gần 230.000 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư phát triển khu vực Tây Nam bộ huy động đạt gần 124.150 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 40% GDP, tăng gần 11,5%. Thu ngân sách nội địa đạt 18.400 tỷ đồng, tăng gần 6,2%, tuy nhiên tổng chi ngân sách cho toàn vùng vẫn cao so với mức thu; tổng chi ước đạt gần 41.890 tỷ đồng.

Một số công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đào tạo và dạy nghề của khu vực Tây Nam bộ đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng. Các công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng như Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1, 2; nhiệt điện Ô Môn 1; cầu Rạch Miễu; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; sân bay quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 1), các công trình thủy lợi, cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; các dự án xây dựng trường học, bệnh viện thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Một số công trình trọng điểm đang được tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công để hoàn thành trong năm 2010 như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, sân bay quốc tế Cần Thơ (giai đoạn 2); đường Nam sông Hậu; Quản lộ-Phụng Hiệp; các cầu trên Quốc lộ1, đọan Cần Thơ-Cà Mau.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Việc triển khai các chủ trương, chính sách chăm lo, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, hộ nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm... tiếp tục được đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện; an ninh - quốc phòng và trật tự xã hội được đảm bảo.

Toàn vùng có gần 142.600 hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có 32.805 hộ dân tộc thiểu số nghèo đã và đang được các cấp chính quyền địa phương triển khai việc hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đào tạo nghề theo chương trình đề án của Chính phủ hỗ trợ. Tạo việc làm mới cho 354.000 lao động, giảm 4.000 người so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng trong năm đã giảm thêm gần 1,8%, hiện còn hơn 9,4% hộ nghèo.

Năm 2010, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ tiếp tục bám sát các chương trình chỉ đạo của Chính phủ và nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác năm của vùng để có chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có hiệu quả, ổn định trật tự an ninh chính trị tại địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo trong vùng, trong đó tập trung thực hiện việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo.../.

Trung Hiếu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục