Tăng hợp tác trong ngành nước-dịch vụ môi trường

Hiện 126 khu công nghiệp mỗi ngày thải ra trên 1 triệu m3 nước, trong đó có tới 70% chưa qua xử lý ảnh hưởng đến an ninh tài nguyên nước.
Theo tiến sĩ Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa tương đối nhanh của Việt Nam hiện nay đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, làm phát sinh lượng nước thải và rác thải gây nên áp lực rất lớn về vệ sinh môi trường.

Riêng 126 khu công nghiệp đang hoạt động mỗi ngày thải ra trên 1 triệu m3 nước, trong đó có tới 70% chưa qua xử lý ảnh hưởng đến an ninh tài nguyên nước.

Tại hội thảo về quan hệ đối tác Nhà nước-tư nhân và những nghiên cứu điển hình trong lĩnh vực nước-dịch vụ môi trường tổ chức sáng 3/12 tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Kế Sơn cho rằng việc tăng cường sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực nước-dịch vụ môi trường là rất cần thiết.

Ông Charles Chaumin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Suez đã trình bày tổng quan về hình thức hợp tác Nhà nước-tư nhân trong ngành dịch vụ công nước và nước thải; giới thiệu mô hình và cơ chế hợp tác mà tập đoàn đã và đang triển khai rất hiệu quả tại Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là Macau.

Với bề dày hoạt động 120 năm, Tập đoàn Suez ngày càng lựa chọn những phương án tối ưu hơn để thu hồi và xử lý nước phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của con người, cũng như thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước-dịch vụ môi trường hoạt động, hướng đến mục tiêu chiến lược đến năm 2010 Việt Nam có 40% các đô thị, 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; thu gom được 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ; xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục