Phát hiện mới về dòng hải lưu mạnh từ Nam Cực

Nhóm các nhà hải dương học trường Đại học Hokkaido của Nhật đã đo được một hệ thống các dòng hải lưu mạnh xuất phát từ Nam Cực.
Nhóm các nhà hải dương học thuộc trường Đại học Hokkaido của Nhật Bản cho biết đã đo được một hệ thống các dòng hải lưu mạnh xuất phát từ Nam Cực.

Những kết quả đo đạc mới được phát hiện này rất quan trọng, vì các dòng hải lưu đóng vai trò chủ chốt trong sự biến đổi khí hậu, và đã được đăng trên tạp chí điện tử Khoa học địa lý Tự nhiên ngày 25/4.

Hệ thống dòng hải lưu này, thường gọi là "Dòng nước dưới đáy Nam Cực" (AABW), bắt nguồn từ Nam Cực và di chuyển theo chiều kim đồng hồ qua bốn vùng biển lớn tiếp giáp với Nam Cực là biển Weddell, biển Adelie Land, biển Ross và vịnh Prydz.

Các dòng chảy ngầm dưới đáy biển cực lạnh này hướng lên phía Bắc, khi đến bên gờ của thềm lục địa Nam Cực, một phần sẽ hòa vào các dòng hải lưu chảy xung quanh Nam Cực và các dòng hải lưu này đa phần sẽ biến mất tại các vùng nước sâu xung quanh Nam Cực.

Phần còn lại của AABW sẽ chảy xuyên qua các vùng biển sâu nhờ vào hệ thống phức tạp các mương dẫn, kéo dài cho tới khi tiếp giáp với các đại dương như Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, riêng tại Đại Tây Dương các dòng chảy này chảy đến tận phía Nam của Brazil.

Trong công trình nghiên cứu, các nhà hải dương học Nhật Bản đã đặt một hệ thống tám thiết bị cảm biến đáy biển ở độ sâu 3.500m trong vòng hai năm và trải dài trên 175km ở vùng biển phía Đông Nam Cực, nơi có dòng hải lưu xuất phát từ vịnh Prydz.

Kết quả cho thấy trung bình có khoảng 8 triệu m3 nước di chuyển lên phía Bắc trong một phạm vi rất hẹp có nhiệt độ lạnh dưới 0,2 độ C. Lưu lượng này lớn gấp bốn lần so với số liệu đo được trước đó về một dòng hải lưu trong hệ thống AABW tại vùng biển Weddell.

Cũng trong thời gian hai năm, các nhà khoa học đã đo được tốc độ trung bình của các dòng hải lưu là hơn 20 cm/giây, mức cao nhất từ trước đến nay đối với một dòng chảy ngầm dưới sâu.

Phát hiện trên được cho là rất quan trọng vì các dòng hải lưu đóng vai trò chủ chốt đối với tình trạng biến đổi khí hậu.

Những dòng hải lưu này có tác dụng luân chuyển hơi nóng: đưa các dòng hải lưu nóng trên bề mặt đại dương xuống dưới đáy biển lạnh và sau khi được làm lạnh sẽ lại được các dòng hải lưu đẩy lên mặt biển để nóng trở lại.

Ngoài ra, các dòng hải lưu cũng quyết định việc các đại dương có hấp thụ được khí CO2, tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục