60 nước phát động chương trình điện hạt nhân

Cho đến nay, thế giới có trên 60 nước xem xét hoặc đã phát động chương trình điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Số liệu của IAEA cho thấy, cho đến nay, có trên 60 nước đã xem xét hoặc đã phát động chương trình điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch gần cạn kiệt và sự cần thiết khai thác các nguồn năng lượng sạch để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chủ trì đã khai mạc ngày 9/2 tại thủ đô Vienna của Áo với chủ đề “Quản lý phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân."

Tại hội nghị, các nước này sẽ công bố và giải trình tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân của họ, đặc biệt là các biện pháp hòa nhập các yêu cầu an ninh, an toàn và bảo vệ trong thiết kế và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Phó Tổng Giám đốc IAEA về năng lượng hạt nhân Yury Sokolov nhấn mạnh quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà máy điện hạt nhân rất phức tạp, cần tới ít nhất 10 năm để lập kế hoạch.

Cơ sở hạ tầng cho nhà máy điện hạt nhân là một hệ thống phức tạp bao gồm các vấn đề về luật pháp, quy chế, công nghệ, nguồn nhân lực và hỗ trợ công nghiệp để đảm bảo hiệu quả của chương trình điện hạt nhân và đáp ứng các nghĩa vụ về an toàn, an ninh và bảo vệ.

Trong khi thừa nhận quyền của mỗi nước cũng như các nghĩa vụ mà những nước này phải thực hiện khi phát triển năng lượng hạt nhân, IAEA sẽ đánh giá khách quan và độc lập các chương trình năng lượng hạt nhân này, đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ để các nước mới phát triển nguồn năng lượng trên đánh giá chính xác nhu cầu cũng như các nghĩa vụ phải tuân thủ nhằm đảm bảo năng lượng hạt nhân được sử dụng có hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục