Nhanh chóng tìm giải pháp để bình ổn giá đường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công Thương đã họp khẩn cấp với các nhà máy đường nhằm tìm giải pháp bình ổn giá đường.
Giá đường bán lẻ trên thị trường trong nước thời gian gần đây lập mức kỷ lục trong nhiều năm qua, còn cao hơn cả giá thế giới.

Từ ngày 5/1 đến nay, giá đường cát RE bán tại các nhà máy khoảng từ 16.500-17.700 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trên thị trường lập mức kỷ lục, trong khoảng từ 20.000-21.000 đồng/kg.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá mía nguyên liệu hiện được thu mua khoảng 750.000-800.000 đồng/tấn, cộng với các chi phí khác có thể lên tới xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2008, khiến giá thành sản xuất đường lên tới 13.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá đường thế giới cũng tăng mạnh, từ 680-750 USD/tấn, tương đương gần 15.000 đồng/kg, cộng với dự báo niên vụ 2009-2010 thế giới sẽ thiếu hụt 6 triệu tấn đường cũng góp phần kích giá đường trong nước tăng cao.

Trước tình hình giá đường trong nước tăng mạnh và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, hơn cả giá thế giới, chiều 14/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đã họp khẩn cấp với các Cục, Vụ, Hiệp hội, nhà máy đường nhằm nhanh chóng tìm giải pháp bình ổn giá đường.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, giá đường cao đang đẩy giá mía nguyên liệu tăng theo, mức giá mà cả người tiêu dùng lẫn các nhà máy đường không ngờ tới bởi hiện đang là vụ sản xuất mía đường 2009-2010. "Đây chính là nghịch lý của ngành mía đường Việt Nam", ông Tần nói.

Trước tình hình trên, ông Diệp Kỉnh Tần đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam cùng các đơn vị thành viên tính toán, tìm cách phải hạ giá xuống bằng giá đường thế giới, với mức hợp lý là 14.000 đồng/kg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế dự trữ quốc gia về đường, vì đây là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, trước mắt Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài Chính về cấp hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2010 là 150.000 tấn và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá mức tiêu thụ để điều chỉnh trong những tháng tới.

Hiệp Hội Mía đường Việt Nam cũng đề nghị các công ty có nhu cầu về đường để chế biến các sản phẩm như bánh kẹo, sữa, nước ngọt... ký hợp đồng ngay từ đầu năm với các công ty đường về số lượng dùng cho cả năm, từng tháng, giá cả theo giá bán buôn tại thời điểm nhận hàng.

Theo Hiệp hội, với cách tính giá như trên sẽ làm giảm chi phí cho các công ty chế biến có sử dụng đường, góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Theo các chuyên gia, giá đường tăng đột biến còn do lượng đường tồn kho trong năm 2010 ít hơn so với các năm trước trong khi nhu cầu tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới lại lớn, các vùng trồng mía lớn như Tây Ninh, Quảng Ngãi diện tích ngày càng sụt giảm khiến các nhà máy đường thiếu nguyên liệu trầm trọng./.

Hoàng Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục