Huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải mất phương hướng

Khi Thể Công thất bại trước Đồng Tháp và nguy cơ thảm bại trước đội bóng gần như đã xuống hạng thì ông Lê Thụy Hải đã mất phương hướng.
Khi Thể Công thất bại trước Đồng Tháp và đứng trước nguy cơ thảm bại trước đội bóng gần như đã xuống hạng thì ông Lê Thụy Hải đã mất phương hướng.

Run rẩy và mất tự tin

Người ta luôn nghi ngờ khi huấn luyện viên đã không biết mình phải nên thay người như thế nào trong thời điểm quyết định của trận đấu thì rõ ràng ông ta đã đánh mất đi sự tự tin cần thiết và cũng không còn biết chính xác đội bóng của mình có vấn đề ở đâu hay cần phải làm gì.

Khánh Lâm đã cởi chiếc áo bíp (một loại áo tập luyện và dùng cho cầu thủ dự bị) để mặc vào người chiếc áo đấu, nai nịt gọn ghẽ với chiếc bịt ống quyển và đã đứng dậy (chỉ còn chưa cầm giấy thay người) thì Công Huy lại được gọi đứng dậy để vào sân.

Lâm không vào sân vì huấn luyện viên Lê Thụy Hải chần chừ, có lẽ không dám chắc tung Lâm vào sân và rút ra 1 trong 2 cầu thủ đá cánh có phải là chính xác. Hay tung Công Huy vào để tăng khả năng cầm bóng và kiến tạo cơ hội khi bộ đôi Phước Tứ và Abbey không có ai là chuyên gia ở kỹ năng này.

Cuối cùng thì Huy vào sân và đó là quyết định được đưa ra bởi các trợ lý. Từ khán đài A, người ta thấy ông Hải rời ghế quay sang hỏi trợ lý Mạnh Cường. Vậy là người trợ lý đã quyết hộ ông Hải khi ông không còn đủ tự tin và tỉnh táo tại một thời điểm đội bóng đang bị dẫn có quá nhiều vấn đề, các chân sút ngoại quá cùn, các tiền vệ thiếu sức sáng tạo và đuối sức, hàng thủ rất dễ bị vượt qua. Quyết định của trợ lý oái oăm thay lại là quyết định đúng nhất, dù khi ấy nếu thay người chỉ để đá với hậu vệ còn táo bạo hơn.

Ông Hải đã run sợ và không còn tin vào chính ông? Trận trước, khi ông tung Khánh Lâm vào thay Bảo Khanh đã khiến đội trở nên suy yếu nghiêm trọng, từ chỗ có thể thua nhưng cũng có thể thắng Đồng Tháp thì rốt cục họ đã thua 2-4.

Đó quả thật là điều rất kỳ lạ, ở một người luôn tỏ ra tự tin khi đương đầu với tất cả, từ trọng tài, đối thủ, giới truyền thông và cả những trò mèo của đám cầu thủ ngoại; một người thừa tự tin cho rằng mình là huấn luyện viên giỏi nhất của bóng đá Việt Nam và khẳng định ông mới chính là ngôi sao duy nhất ở đội.

Mặt trái của ngôi sao

Ngôi sao ở đội bóng là một vài cầu thủ thường có mặt trái. Ngôi sao là một huấn luyện viên cũng có mặt trái của nó. Đặc biệt, khi ngôi sao huấn luyện viên ấy cố gắng tỏa sáng bằng mọi cách thì nó tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Từ lâu, người ta biết ông Hải là người khích tướng bằng nghệ thuật... "chửi". Ông thực hiện điều đó cả trong khi đang huấn luyện trên sân tập và trong khi chỉ đạo lúc thi đấu. Nhưng khi nghệ thuật đó bị lạm dụng và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ một huấn luyện viên đã có 2 chức vô địch thì nói gì cũng đúng và nói gì cũng được, thì hậu quả tai hại.

Đôi khi, ông Hải như muốn chứng tỏ trong con mắt của một huấn luyện viên là người của lò Đường sắt VIệt Nam, quân của lò Thể Công cũng chỉ là những người không biết đá bóng và không có tư duy chiến thuật.

Các cầu thủ Thể Công vốn là những người rất lành (gần như nhất V-League) và từ tấm bé chưa từng được huấn luyện và chỉ đạo bằng nghệ thuật chửi ấy, họ không bật lại huấn luyện viên dù đó là ông Hải hay ông Dũng, nhưng có lẽ vì tính cách ấy nên họ tỏ ra khá sợ hãi trước ông Hải. Chuyền xong một đường bóng họ quay sang ông Hải. Cắt xong một đợt tấn công, họ cũng liếc ra khu kĩ thuật. Dâng lên bắt việt vị, các hậu vệ cũng ngoái lại xem phản ứng của huấn luyện viên.

Chính điều này làm cho rất nhiều vị trí của Thể Công chơi tồi đi so với khả năng của họ hoặc không đạt được sự tự tin trong cách xử lý tình huống. Mà việc huấn luyện viên không giúp được các cầu thủ chơi đúng với khả năng chứ chưa nói tới việc chơi hay hơn, rõ ràng là một thất bại.

Ông Hải tự hào đã từng chữa bệnh Thể Công hộ ông Vương Tiến Dũng khá ổn. Nhưng ông không hề nghĩ sẽ có lúc ông phải tự chẩn trị cho chính mình. Quả bóng thật tròn./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục