Bảo tồn, nhân giống thủy sản đặc hữu sông Mekong

Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đang tập trung lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu, nhân giống các loại thủy sản đặc hữu.
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ cho biết hiện nay đơn vị đang tập trung lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu và nhân giống các loại thủy sản đặc hữu.

Việc này không chỉ giúp các loài này tránh được nguy cơ tuyệt chủng mà còn góp phần giúp nghề nuôi cá nước ngọt tại các tỉnh Nam Bộ phát triển mạnh, đúng hướng.

Tiến sĩ Phạm Văn Khánh cũng cho biết dựa trên kết quả nghiên cứu về sinh học và sinh sản các loài cá nước ngọt, Trung tâm đã thiết lập gần 30 quy trình kỹ thuật sản xuất giống các loài cá nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, góp phần xây dựng 15 bộ Tiêu chuẩn ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về giống các loài cá nước ngọt đồng thời nhập nội và thuần hóa ba loài cá Ấn Độ từ năm 1984.

Hàng năm, Trung tâm còn thực hiện chương trình thường xuyên cấp nhà nước là “Lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt” với kết quả tốt. Qua đó, đã lưu giữ gen của gần 20 loài cá kinh tế và nuôi truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời ứng dụng và phát triển công nghệ trữ tinh đông một số loài cá kinh tế, quí hiếm như cá tra cờ, cá chép, cá hô...

Đặc biệt, Trung tâm đã nghiên cứu và cho đẻ nhân tạo thành công giống cá hô - một giống cá đặc hữu của sông Mekong đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và đang nghiên cứu sưu tầm, lưu giữ tiến tới cho sinh sản nhân tạo giống cá Trà Sóc chỉ có trên sông Mekong và cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.

Nhiều chương trình, dự án lớn trên cơ sở hợp tác quốc tế và hợp tác vùng, tiểu vùng trong các tỉnh phía Nam đang được Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ triển khai có hiệu quả cao như chọn lọc giống tôm càng xanh, nuôi cá trong vùng ngập lũ, khuyến ngư phát triển thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, nuôi các loài cá bản địa hạ lưu sông Mekong...

Chỉ tính trên lĩnh vực hỗ trợ khuyếch trương nghề nuôi thủy sản nước ngọt các tỉnh thành phía Nam, trung bình mỗi năm Trung tâm có khả năng sản xuất 300 triệu cá bột các loài thủy sản nước ngọt đặc hữu và 20-40 triệu con giống trong đó có những giống như cá hô khi nông dân có nhu cầu nuôi chỉ có thể tìm mua tại đây./.

Minh Trí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục