Triển khai đề án phát triển nghề công tác xã hội

Ngày 21/7, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đã chính thức được triển khai đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 21/7, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 32) đã chính thức được triển khai đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ nay đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển đội ngũ làm công tác xã hội tăng 10% so với số hiện có và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho 50% trong số này.

Thành phố cũng sẽ xây dựng một mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp thành phố; hướng dẫn về mã vạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; phổ biến và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội.

Từ 2016-2020, thành phố phấn đấu phát triển đội ngũ lên 10%, đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho 30% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên còn lại; hỗ trợ xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội cấp quận, huyện.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 400.000 người cao tuổi, trên 44.000 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.000 hộ gia đình nghèo (với chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma túy, hơn 2.000 người bán dâm tập trung tại các cơ sở xã hội và có khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nhu cầu chăm sóc xã hội trên địa bàn thành phố là rất lớn, tuy nhiên đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chỉ có trên 5.000 người.

Đề án 32 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển công tác xã hội thành một nghề ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ số lượng và đạt yêu cầu, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 2.347,4 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước, địa phương và vốn ODA.

Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ Trẻ em của UNICEF Việt Nam, nghề công tác xã hội sẽ can thiệp hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và hệ thống xã hội nhằm hỗ trợ đạt được sự thay đổi trong chức năng xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội, thúc đẩy phúc lợi và công bằng xã hội.

Cán bộ xã hội làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, tư pháp với người chưa thành niên, hỗ trợ gia đình khủng hoảng, bảo trợ xã hội cho người già, người tàn tật, phát triển cộng đồng, giáo dục, y tế, phòng chống tệ nạn xã hội.

Hiện nay dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam chủ yếu được cung cấp dưới hình thức hỗ trợ tiền mặt, vật chất hoặc chăm sóc trong các trung tâm bảo trợ xã hội và thường mang tính chất dự án, không liên tục, độ bao phủ nhỏ. Đề án 32 một khi được triển khai rộng đều trên cả nước sẽ tạo nhiều lựa chọn cho những người có nhu cầu, khắc phục được những hạn chế nói trên và là bước tiến lớn trong chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục