Cơ sở hạ tầng nông thôn cải thiện nhờ vốn ADB

Những dự án do ADB tài trợ đã mang lại kết quả rất thiết thực, người dân ở trong vùng dự án thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với trước đó.
Mấy năm gần đây, đầu tư phát triển mạng lưới giao thông được ngân sách Nhà nước quan tâm hơn, song vốn đầu tư vẫn còn ít, chưa thích đáng với nhu cầu.

Trong những năm qua người dân cũng phải rất vất vả phát huy nội lực của mình để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên đầu tư của người dân cũng ở mức hạn chế và nguồn vốn không lớn nên cơ sở hạ tầng chất lượng không đảm bảo, thiếu tính bền vững.

Tuy nhiên, thời gian qua, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào khu vực nông thôn liên tục tăng qua các năm. Số vốn này được tập trung chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các dự án xóa đói giảm nghèo. Các nguồn tài trợ nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn giao thôn gồm nguồn vốn của JICA, WB, ADB.

Các chương trình dự án do ADB tài trợ đã góp phần vào phát triển kinh tế trong khu vực nông nghiệp và nông thôn được đánh giá là hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói giảm nghèo.

Tiếp sức cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Ông Hoàng Văn Xô, Phó Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, những dự án do ADB tài trợ đã hoàn thành và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp là: Dự án ngành cơ sở hạ tầng nông thôn vay vốn ADB và AFD, tổng số vốn 150 triệu USD, được thực hiện từ năm 1998 đến năm 2004 tại 23 tỉnh trên phạm vi cả nước. Dự án đã nâng diện tích tưới lên 60.133 ha; đầu tư 128 trạm cấp nước, phục vụ cho 1.500.000 dân; 15 công trình chợ nông thôn…

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2005. Dự án này chủ yếu là khôi phục lại những công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2005 được thực hiện tại 10 tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tổng số vốn cho Dự án là 97 triệu USD, thời gian thực hiện dự án từ năm 2007-2011.

Ông Xô cho biết, những dự án này đã mang lại những kết quả rất thiết thực, người dân ở trong vùng dự án thu nhập tăng 2,3 lần so với trước khi có dự án; đời sống xã hội về kinh tế được phát triển rất tốt, đặc biệt khu vực nào mà đường giao thông nông thôn đi qua, những vùng nào được tưới tiêu đầy đủ thì người dân được tăng sản lượng về lương thực và được đảm bảo về lương thưc; những vùng nào có nước sạch thì người dân cũng ít bị bệnh tật, mà đời sống của họ cũng văn minh hơn rất nhiều.

Theo ông Xô, các dự án đã hoàn thành không chỉ giúp tăng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo, quản lý trong ngành nông nghiệp.

Ý nghĩa thiết thực

Các dự án đã hoàn thành được ADB đánh giá cao vì đã mang lại các lợi ích cụ thể là giảm 60% chi phí vận chuyển nông sản; rút ngắn 53% thời gian di chuyển tới những cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng. Các hoạt động thương mại phát triển dọc theo các tuyến đường trong và sau khi hoàn thành dự án, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Ông Xô cho biết, khi chúng tôi đi thực tế, người dân ở những ở những vùng có dự án đi qua đã rất phấn khởi, cuộc sống đi lại thuận tiện, học sinh đến trường đã được đi trên những con đường dải nhựa, không phải đi qua suối hay những cây cầu khỉ vắt vẻo. Hoặc một số tuyến đường bị lũ lụt cuốn trôi như tuyến đường Xuân An – Trung Sơn thuộc huyện Yên Lập, Phú Thọ nay đã hoàn thành với 15 km đường rải nhựa giúp bà con của các bản đi lại thuận tiện.

Một tiểu dự án khác cũng đem lại hiệu quả không kém là dự án tu bổ lại hệ thống đê điều tại tỉnh Nam Định. Theo báo cáo của ông Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 tại tỉnh Nam Định, năm 2005, bão số 7 với sức gió mạnh cấp 11, 12 đổ bộ vào Nam Định kèm theo mưa lớn đã gây tràn, vỡ và hư hỏng hệ thống đê điều, nhất là đê biển của 3 huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.

Được ADB tài trợ nguồn vốn 287,406 tỷ đồng, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án hoàn thành đã xóa nhiều trọng điểm phòng chống lụt bão góp phần vào công tác phòng chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, ổn định và phát triển sản xuất, tăng khả năng an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo của nhân dân vùng ven biển. Dự án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tỉnh Nam Định.

Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, hiện Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp cũng đang tiếp tục triển khai Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cho các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận do ADB và AFD (Cơ quan Phát triển Pháp) tài trợ với tổng số vốn là 168 triệu USD. Thời gian thực hiện từ năm 2008-2013.

Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đang chuẩn bị thực hiện Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB tài trợ 108 triệu USD, thời gian thực hiện từ 2011-2016. Dự án sẽ triển khai xây dựng và nâng cấp hàng loạt các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cấp nước, chống lũ, trường học, trạm y tế, chợ.

Theo ông Xô, tại hầu hết các vùng miền núi phía Bắc, cơ sở hạ tầng trong tình trạng yếu kém, tỷ lệ đường không dải nhựa chiếm hầu hết, công trình thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu thoát nước. Chưa đến 50% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói tại các tỉnh này.

Chuyên gia về Phát triển Nông thôn thuộc Vụ Đông Nam Á của ADB David Salter cho biết, Dự án này sẽ giúp các huyện làm nông nghiệp đẩy mạnh năng suất lúa lên 25% và có khả năng giúp họ đáp ứng được nhu cầu trên thị trường và đa dạng hoá các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn. Thời gian đi lại và chi phí sẽ giảm trung bình 55% trong khi độ tin cậy về giao thông vận tải sẽ tăng lên giúp cho nông dân đưa ra được những phương án kinh doanh chiến lược./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục