Các ngân hàng trên thế giới đạt thỏa thuận khung

Các ngân hàng thế giới đã đạt thỏa thuận khung để bảo đảm hệ thống có thể ứng phó vững với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào.
Các nhà lãnh đạo và quản lý các ngân hàng hàng đầu trên thế giới đã đạt được thỏa thuận khung về các tiêu chuẩn mới nhằm bảo đảm cho hệ thống ngân hàng có thể ứng phó vững vàng với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính mới nào trong tương lai.

Trong một tuyên bố tại Paris ngày 26/7, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này là một thành công mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường tính linh hoạt của khu vực ngân hàng.

Thỏa thuận đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ cải cách triệt để và thúc đẩy sự ổn định lâu dài của hệ thống ngân hàng, coi đó là điều kiện cần thiết giúp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết Ủy ban giám sát ngân hàng đặt tại Basel (Thụy Sĩ), được giao trách nhiệm soạn thảo khung quy định chung cho ngành ngân hàng trên cơ sở những quy định trước đó và có những đổi mới thích hợp từ việc rút kinh nghiệm sau các cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng thế giới thời gian gần đây.

Các đề xuất này sẽ được trình Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (G-20) vào cuối năm nay để xem xét thông qua.

Trong một diễn biến khác liên quan đến vấn đề củng cố khu vực ngân hàng, ngày 26/7, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Vince Cable cảnh báo các ngân hàng nước này có thể phải đối mặt với một loại thuế mới đánh vào tổng lợi nhuận nếu họ không hạn chế các khoản tiền thưởng và chia cổ tức nhằm tăng cường cho vay vốn tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ trưởng Cable nói rằng, chính phủ Anh đang xem xét đưa các sàn giao dịch chứng khoán vùng vào hoạt động trở lại, tăng bảo lãnh vốn vay và nghiên cứu các biện pháp tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp.

Hiện các tập đoàn ngân hàng RBS và Lloyds, trong đó chính phủ Anh nắm cổ phần sau đợt giải cứu trong cuộc khủng hoảng vừa qua, đã phải tham gia các cam kết nói trên. Tuy nhiên, họ nói rằng vấn đề ách tắc vốn vay là do nhu cầu yếu, chứ không phải nguồn cung./.

(TTXVN/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục