Canada cần điều chỉnh kế hoạch "thắt lưng buộc bụng"

Theo các chuyên gia, mức thâm hụt hiện tại của Canada (khoảng 2% GDP) chưa đến mức "báo động" khiến chính phủ phải tập trung đối phó.
Theo báo chí Canada ngày 15/2, trong khi phần lớn người dân Canada ủng hộ kế hoạch cắt giảm của chính phủ liên bang và cho rằng việc giảm thâm hụt là nền tảng của kế hoạch ngân sách quốc gia năm 2012, các chuyên gia kinh tế lại không nghĩ như vậy.

Họ cho rằng mức thâm hụt hiện tại của Canada (khoảng 2% GDP) chưa đến mức "báo động" khiến chính phủ phải tập trung đối phó. Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang căng thẳng, nhu cầu hàng hóa giảm sút, việc cắt giảm có thể gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế.

Theo kết quả thăm dò của công ty Abacus, từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2/2012, trong số 1.209 người Canada được hỏi có 65% người tin rằng cân bằng ngân sách và giảm thâm hụt liên bang phải là một ưu tiên rất cao hoặc cao, trong khi chỉ 18% phản đối và 21% còn lại có quan điểm trung lập. Đảng Bảo thủ có 73% ủng hộ, trong khi đảng Tự Do là 53% và đảng Tân Dân chủ là 55%.

Trung tâm giải pháp chính sách Canada (CCPA) ước tính việc cắt giảm ngân sách của Canada có thể nâng tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên trên 8%.

Bà Shelly Shetty, chuyên gia phân tích của Fitch Ratings, cho biết nỗ lực cắt giảm chi tiêu nhằm đạt mục đích cân bằng ngân sách vào năm 2016 là "không cần thiết". Còn Steven Hess, chuyên gia phân tích của Moody's, cũng đồng ý quan điểm khi cho rằng sẽ có những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế của Canada nếu chính phủ tiến hành quá nhanh các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm đưa ngân sách trở lại cân bằng.

Theo các chuyên gia, chính phủ của Thủ tướng Harper không nên cứng nhắc để đạt được các mục tiêu ngân sách. Trong khi những người phản đối kế hoạch này cũng dẫn ví dụ về Hy Lạp như một cảnh báo rằng việc cắt giảm quá nhanh và sâu có thể gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Shetty, việc củng cố hệ thống tài chính và đạt được các mục tiêu cân băng ngân sách là rất quan trọng đối với Canada trong việc duy trì sự tín nhiệm./.

Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục