LHQ báo động về bóng ma bảo hộ mậu dịch

Liên hợp quốc lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ bảo hộ mậu dịch không hề giảm đi sau khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi.
Liên hợp quốc một lần nữa lên tiếng cảnh báo nguy cơ bảo hộ mậu dịch không hề giảm đi sau khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi.

Ngày 23/2, Tổng Thư ký Hội nghị về thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi cho rằng nguy cơ bảo hộ mậu dịch tăng lên khi các biện pháp kích cầu được loại bỏ trong năm 2010 và nạn thất nghiệp ngày càng trầm trọng hơn ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển.

Ông nhấn mạnh xu hướng bảo vệ nền kinh tế trong nước, bảo vệ việc làm và phúc lợi cho người dân thường dẫn đến bảo hộ mậu dịch. Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế cũng hạn chế chính sách mở cửa của các nền kinh tế lớn trong khi các gói kích cầu lại khuyến khích tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nước hơn là nhập khẩu.

Trong báo cáo “Cảnh báo thương mại toàn cầu," Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong quý IV/2009, lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ giữa năm 2008, nhu cầu hàng công nghiệp giảm 23,8% do hàng rào ngăn cản nhập khẩu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) coi là hợp pháp như thuế chống bán phá giá. Số lượng đơn kiện về các rào cản thương mại được WTO điều tra trong quý này đã tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước đó.

Từ tháng 10/2009, nhiều nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã áp dụng tới 80 biện pháp bảo hộ mậu dịch, mặc dù trước đó họ cam kết chống xu thế này. Những biện pháp bảo hộ mậu dịch trả đũa lẫn nhau có thể gây thiệt hại lớn cho hoạt động buôn bán, đầu tư và sự thịnh vượng của thế giới.

Tuy nhiên, UNCTAD cũng lạc quan nhận định trong lĩnh vực đầu tư, hầu hết các chính sách gần đây đều khuyến khích tự do hóa và thúc đẩy buôn bán và đầu tư quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục