Tình tiết mới trong quá trình đến START mới

Mỹ chưa đồng ý đưa vào START mới vấn đề liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa mà Lầu Năm góc định triển khai ở nhiều khu vực.
Một tình tiết mới đã xuất hiện trong giai đoạn Nga và Mỹ soạn thảo và chuẩn bị ký văn kiện mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I) đã hết hạn ngày 5/12/2009.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nga số ra ngày 23/3, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, đại tướng Nikolai Makarov tiết lộ phía Mỹ chưa đồng ý đưa vào START mới vấn đề liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Lầu Năm góc dự định triển khai tại các khu vực khác nhau trên thế giới, trước hết tại Ba Lan, Romania, Séc và Bulgaria.

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Nga, tướng Makarov cho rằng START mới đã được soạn thảo tới 95% và hai bên có thể ký văn kiện này vào đầu tháng Tư tới.

Tuy vậy, tướng Makarov thừa nhận Nga và Mỹ cần phải thỏa thuận một số chi tiết, trong đó có đề nghị kiên quyết và mang tính nguyên tắc của Nga là đưa vấn đề NMD vào START mới nhằm gắn vũ khí tiến công chiến lược với vũ khí phòng thủ chiến lược, với mục đích cuối cùng là duy trì sự cân bằng chiến lược và góp phần bảo đảm ổn định chiến lược quốc tế.

Tướng Makarov nêu rõ khác với START-I, START mới phải bảo đảm tính cân bằng về vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ.

Thời hạn ký START mới có thể phụ thuộc trước tiên vào sự sẵn sàng của các bên nhằm tôn trọng lợi ích của nhau.

Giải thích sự cần thiết phải đưa NMD vào START mới, tướng Makarov cho biết START-I quy định cả hai phía Nga và Mỹ chỉ có một hệ thống phòng thủ tên lửa tại quân khu Mátxcơva và tại bang Bắc Dakotta. Nhưng Mỹ đã vạch kế hoạch triển khai NMD làm ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược trên thế giới.

NMD của Mỹ trước hết sẽ nhằm tiêu diệt tiềm năng tên lửa hạt nhân và kiềm chế lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga để tạo lợi thế cho Washington và phá vỡ sự cân bằng chiến lược đã hình thành.

Tướng Makarov khẳng định việc triển khai NMD sẽ kéo theo chạy đua vũ trang. Tuy vậy, cũng tồn tại nguy cơ trong khi Nga và Mỹ giảm bớt tiềm năng hạt nhân của mình thì các nước khác lại làm ngược lại, tăng tiềm lực hạt nhân của họ.

Vì vậy, sau khi Nga và Mỹ ký START mới thì tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cũng phải tham gia quá trình này. Cần phải ký một START có khả năng ngăn chặn chạy đua vũ trang trên toàn thế giới.

Tướng Makarov tuyên bố Nga sẽ ký một START mới trên cơ sở cân bằng và không tác hại gì đến lợi ích quốc gia của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục