Chen lấn chết người

Chen lấn chết người ở Ấn Độ: Không phải lần đầu

Vụ giẫm đạp tồi tệ nhất ở Ấn Độ xảy ra năm 2008, khi 220 người chết gần một ngôi đền trong một pháo đài ở Jodhpur.
Vụ chen lấn hỗn loạn trong khuôn khổ nghi lễ Chhath của Hindu giáo khiến 18 người thiệt mạng đã phủ bầu không khí tang thương lên thành phố Patna ở miền Đông Ấn Độ. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên xảy ra những vụ việc tang thương như vậy tại Ấn Độ, hầu hết đều liên quan đến các sự kiện tôn giáo, nơi cảnh sát và các lực lượng kiểm soát đám đông hoạt động không tương xứng với quy mô cũng như số người tham dự. [18 người chết vì giẫm đạp lên nhau ở lễ hội Hindu] Hồi tháng Chín năm nay, tại bang Jharkhand, một cuộc giẫm đạp diễn ra trong một sự kiện tôn giáo khác đã làm 9 người thiệt mạng, gồm 8 là phụ nữ. Trước đó, hơn 100 người thiệt mạng trong tháng 1/2011 ở bang Kerala khi đám đông bất ngờ hoảng loạn trong lúc đang đi ngang một khu vực nhiều đồi núi trong đêm để tới điểm thờ cúng. Vụ giẫm đạp tồi tệ nhất xảy ra gần đây hồi năm 2008, khi 220 người chết gần một ngôi đền, nằm bên trong một pháo đài nổi tiếng ở thành phố Jodhpur. Quay trở lại với vụ giẫm đạp mới nhất, ít nhất 18 người phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng cùng hơn một chục người khác bị thương nặng. Sự kiện xảy ra ở thành phố Patna, gần sông Hằng linh thiêng, vào cuối ngày 19/11, khi hàng ngàn người mộ đạo vội vã đi cầu nguyện trước hoàng hôn trong khuôn khổ nghi lễ Chhath của Hindu giáo. Tuy nhiên sức nặng của họ đã khiến một cây cầu tạm bắc qua một cung đường khó đi dẫn tới sông Hằng bị đổ sập, vô tình tạo hiệu ứng gây nên vụ giẫm đạp. Giám đốc cách Patna Jayant Kant nói rằng trong số người thiệt mạng gồm 10 phụ nữ và 8 em nhỏ. Tuy nhiên con số người chết có thể tăng lên bởi vài tín đồ đã được báo cáo mất tích. Phần lớn các nạn nhân đã thiệt mạng do bị giẫm đạp chứ không phải vì sập cầu.

Hàng vạn người đi qua một chiếc cầu tre dẫn tới sông Hằng (Nguồn: AFP)
"Thi thể 18 người thiệt mạng đã được gửi tới bệnh viện để giám định" - Kant cho AFP biết. Tình trạng mất điện xảy ra tại hiện trường khi cầu sập đã làm hoạt động tìm kiếm cứu hộ trở nên khó khăn hơn. Theo quan chức thành phố, ông Sanjay Kumar Singh, mất điện cũng là nguyên nhân khiến người ta hoảng loạn và dẫm đạp lên nhau. Patna là thủ phủ của bang Bihar, phía Đông Ấn Độ, nơi lễ hội thường niên tổ chức để mừng thần Mặt trời Surya trong Hindu giáo rất được ưa thích. Khoảng 50.000 người đã hiện diện ở Adalat Ganj, một trong những địa điểm thờ cũng ở Patna, khi cây cầu bị sập. "Mọi người đều nghĩ rằng cây cầu đủ khỏe để chịu được sức nặng của họ, nhưng thật không may, nó đã không thể" - một nhân chứng nói./.

Các nạn nhân đều là phụ nữ và trẻ em (Nguồn: AFP)
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục