Các tỉnh góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 12/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Yên Bái đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 12/3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức phiên họp Chuyên đề quán triệt Công văn số 250/UBDTSĐHP của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện.

Tỉnh đã in ấn và phân phát 100 ngàn bản so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bản thuyết minh và phiếu lấy ý kiến để gửi đến từng hộ gia đình, các khu tập thể trường học, trên địa bàn và hàng ngàn công nhân nhập cư đang sinh sống làm ăn trên địa bàn.

Cùng với việc thực hiện kế hoạch lấy ý kiến trước đây, Ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay việc đưa nhanh các văn bản mới in ấn đến tận tay các hộ gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, quyền lợi của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi đồng thời tổ chức tốt việc thu lại các phiếu lấy ý kiến hộ gia đình về cấp xã trước ngày 22/3 để tổng hợp gửi cấp huyện trước ngày 25/3.

Ban chỉ đạo tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các cấp và ngành chức năng, nhất là Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần có giải pháp thật tốt trong việc phối hợp lấy ý kiến của đối tượng công nhân lao động, nhất là số công nhân ngoài tỉnh đến Lào Cai làm việc.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, đến ngày 12/3, toàn tỉnh đã có 164/164 xã, phường, thị trấn; 9/9 huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Tỉnh tổ chức gần 700 cuộc họp, hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về phạm vi, mức độ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, có 401 ý kiến tham gia (239 ý kiến của cơ quan, tổ chức; 162 ý kiến của cá nhân) và đều nhất trí với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Về tên gọi, bố cục của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có 815 ý kiến tham gia (239 ý kiến cơ quan, tổ chức; 612 ý kiến cá nhân). Các ý kiến đều tán thành với tên gọi, bố cục của Hiến pháp. Có 776/815 ý kiến cho rằng bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khoa học, hợp lý, lô gíc. Ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích.

Về kỹ thuật lập hiến, có 815 ý kiến tham gia góp ý (239 ý kiến của cơ quan, tổ chức; 612 ý kiến của cá nhân). Có 726/815 ý kiến cho rằng kỹ thuật xây dựng Hiến pháp đảm bảo.

Cùng ngày, tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ghi nhận thêm một số ý kiến cụ thể. Chẳng hạn, một ý kiến góp ý sửa đổi Điều 1 Chương I đề nghị đặt “độc lập” lên trước và đưa “dân chủ” ra sau “có chủ quyền" bởi độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của Cách mạng Việt Nam.

Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Điều 48 Chương II đề nghị thêm cụm từ “và xây dựng Tổ quốc” vào sau “bảo vệ” vì bảo vệ và xây dựng Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược phải được kết hợp chặt chẽ.

Tại kỳ họp, ngoài các ý kiến phát biểu trực tiếp còn có nhiều ý kiến đóng góp bằng văn bản vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hai tháng qua, việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Hà Tĩnh đã được thực hiện theo đúng quy định. Cấp xã, phường đã tổ chức trên 600 hội nghị với hơn 2.000 buổi sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, khối phố. Các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức gần 200 cuộc hội nghị, hội thảo, hàng trăm cuộc tọa đàm để lấy ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện.

Đã có hơn 150.000 ý kiến góp ý trực tiếp tại các hội nghị, hàng ngàn ý kiến gửi qua bưu điện và email góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đánh giá chung, nhân dân bày tỏ sự tin tưởng phấn khởi, quan tâm đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cấp, ngành và huyện, thị tiếp tục truyên truyền và tổ chức sâu rộng việc lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân.

Cũng trong ngày 12/3, tại kỳ họp thứ 7, cùng với một số nội dung khác, Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức lấy ý kiến và đánh giá một số kết quả trong quá trình triển khai lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp trí thức đến quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh đã đạt tiến độ và có những kết quả bước đầu quan trọng, có chất lượng cao.

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục