Bốn lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đã 87 tuổi nhưng mắt cụ Lê Thị Tâm như bừng sáng khi kể về vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của mình.
Khi đến gặp cụ Lê Thị Tâm vào những ngày cuối tháng 8, tại tổ 13, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, con cháu cụ nói bà không còn được minh mẫn lắm.

Cụ Tâm năm nay đã 87 tuổi, tai khó nghe, mắt đã mờ, nhưng nói đến Bác Hồ, mắt bà như bừng sáng, giọng nói lưu loát hẳn lên, bà tự hào nói “trong cuộc đời hoạt động Cách mạng, tôi vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ rồi đấy”.

Bà Tâm, quê ở Bát Tràng, vùng đất nổi tiếng về các sản phẩm gốm sứ. Bà nguyên là Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) với 63 năm tuổi Đảng và là một trong những Đảng viên tiên phong trong Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hòa Bình.

Bà vẫn nhớ rõ lần đầu gặp Bác ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc vào tháng 2/1951). Một tháng sau, bà lại được gặp Người trong Đại hội thống nhất Việt Minh Liên Việt toàn quốc.

Đến năm 1961, bà là đại biểu vinh dự được Bác Hồ hỏi thăm trong Đại hội Phụ nữ toàn quốc ở thủ đô Hà Nội và lần cuối cùng, khi tỉnh Hòa Bình vinh dự đón Bác về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, Bác cháu lại được gặp nhau. Bà xúc động nói: "Đó là lần cuối cùng tôi vinh dự được tâm sự với Bác".

Trong bốn lần gặp Bác Hồ, bà không bao giờ quên buổi đầu gặp Bác ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Việt Bắc, lúc đó bà 29 tuổi. Bà kể lại: Được đi dự Đại hội là cả một quá trình phấn đấu của bản thân, chỉ trong vòng 2 năm (1947 - 1949), tôi đã thành lập được 4 Chi bộ Đảng vững mạnh ở Châu Mai Đà, nay là huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Bà vẫn cẩn thận giữ gìn tấm giấy khen của Bác Hồ ký vào năm 1949 tặng cho Nguyễn Thị Hợi: “Đã có công là một cán bộ kiểu mẫu đã tổ chức dân chúng chống giặc, lập lại và giữ vững chính quyền nhân dân ở địa phương”.

Trong giấy khen viết tên bà là Nguyễn Thị Hợi, bởi lúc đó địch đang treo giải thưởng 400 đồng tiền Đông Dương cho ai cung cấp thông tin về người nữ chiến sỹ cách mạng, hòng dập tắt ngọn lửa Cách mạng đang bùng cháy tại Mai Đà.

Sau khi Đại hội kết thúc, Bác Hồ mời tất cả đại biểu nữ dự bữa cơm thân mật tuy đơn giản nhưng mọi người vẫn thấy vinh dự, chan chứa tình thương của lãnh tụ dành cho phái “yếu”. Sau bữa ăn, Bác có trao cho mỗi đại biểu nữ một huy hiệu của Người.

Bác ân cần hỏi thăm và động viên từng người. Đến bên bà Tâm, Bác bảo: Cháu là người Kinh mà lấy chồng dân tộc Mường và đã có con (lúc đó bà sinh được cậu con trai đầu lòng được 5 tháng tuổi), kháng chiến đến nút rồi, rồi ta sẽ đánh một cứ điểm nào đó, giặc Pháp phải thua, giải phóng miền Bắc, tập kết hai miền. Thế thì cháu về không được bỏ công tác đâu đấy. Khó khăn về con cái thì phải giải quyết, phải báo cáo cấp trên. Đây là nút rồi mà không cởi thì không ai cởi cho”.

Lời Bác dặn dò như tiếp thêm sức mạnh cho người nữ chiến sỹ cách mạng vượt qua thử thách. Sau đó, bà được nghỉ phép hai ngày về thăm con nhỏ rồi khẩn trương khăn gói tiếp tục lên đường đi Thanh Hóa công tác. Bà cho biết đứa con đầu lòng ngày ấy, giờ là Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét của tỉnh Hòa Bình.

Những bức ảnh chụp cùng Bác được bà phóng to treo lên ngay tại phòng khách sang trọng. Ở tuổi 87, bà Lê Thị Tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đảng viên, lão thành cách mạng. Năm trước, khi còn khỏe, bà luôn là một cán bộ hưu trí gương mẫu, là người mẹ, người bà mẫu mực để con cháu học tập.

Tài sản vô giá đối với bà chính là những tấm ảnh đen trắng được chụp cùng Bác. Đây không chỉ là niềm trân trọng, vinh dự của riêng bà và còn là niềm tự hào của các thế hệ con cháu trong gia đình, là tình cảm chân thành của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình đối với Bác Hồ kính yêu./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục