Vốn... chờ dự án

Hải Phòng: Vốn đi trước, dự án theo sau

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng, cho biết năm nay, các dự án trọng điểm của thành phố không thiếu vốn.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng, cho biết năm nay, các dự án trọng điểm của thành phố không thiếu vốn.

Theo ông Sơn, Hải Phòng đang có cơ hội rất lớn trong xây dựng cơ bản, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn cho các dự án, công trình xây dựng cơ bản của thành phố lại đạt thấp, đến nay mới đạt không quá 50% tổng số vốn được giao.

Năm 2009, Hải Phòng huy động được khoảng 2.500 tỷ đồng (tính cả vốn bổ sung mới đây) cho đầu tư xây dựng cơ bản. Thành phố lập danh mục 15 dự án, công trình trọng điểm gồm các dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực hạ tầng đô thị, nông thôn, nông nghiệp và các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng


Nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ của nhiều dự án, công trình trọng điểm này chậm là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án khu đô thị mới Ngã năm sân bay Cát Bi, hầu hết các điểm nút quan trọng cần giải phóng mặt bằng bị kéo dài do còn nhiều tổ chức, hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường, hoặc đã nhận nhưng chưa bàn giao mặt bằng đã làm chậm tiến độ thi công của dự án.

Trong khi đó, có nhiều phương án đền bù, giải phóng mặt bằng được thông qua từ năm 2004, 2006 đến nay vẫn chưa xong nên phát sinh thêm nhiều vấn đề cần giải quyết, càng làm công tác giải phóng mặt bằng thêm chậm trễ.

Một số dự án thứ phát chậm triển khai có tác động không nhỏ tới công tác giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo các ngành, các địa phương đều cho rằng đã nỗ lực, cố gắng nhưng cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi nên mất thời gian làm lại.

Tương tự với dự án nút giao thông Quán Mau. Chỉ mới đây, bằng hình thức cưỡng chế bắt buộc hàng chục hộ dân trong vùng giải phóng mặt bằng ở 2 nút giao thông trọng điểm Quán Mau và Ngã Sáu - Máy Tơ mới chịu di dời, trả mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án đường Lạch Tray nối Hồ Sen-Cầu Rào 2 còn hơn 68 hộ dân ngõ 55 Đình Đông liên tục có đơn thư kiến nghị lên Trung ương khiến cho nhà đầu tư không có mặt bằng triển khai.

Hơn 40 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng và thường xuyên cản trở thi công ở dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ; hơn 8.000 m2 đất thổ cư trong Khu nghỉ dưỡng và sân gôn Sông Giá chưa thể giải phóng mặt bằng do chưa thoả thuận được mức giá đền bù.

Một loạt các dự án xây dựng cơ bản khác ở Hải Phòng đều lâm vào cảnh này, như: tuyến đường và Khu đô thị Lạch Tray-Hồ Đông, dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi Lai Sàng Họng, đường nối Cầu Rào 2 – nút giao đường Nguyễn Văn Linh, Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được phê duyệt đã lâu, chưa được khởi công xây dựng....

Dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng mặc dù được đốc thúc, kiểm tra thường xuyên, nhưng tiến độ chung của toàn dự án vẫn chậm so với kế hoạch cũng vì chưa giải quyết triệt để các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Theo Ban quản lý dự án, do công tác giải phóng mặt bằng không đúng kế hoạch, nên nhiều khả năng, hạng mục cải tạo nâng cấp tuyến mương An Kim Hải và đường Chùa Hàng nhanh nhất cũng phải quý 4/2010 mới hoàn thành, gây phát sinh chi phí tư vấn giám sát thi công.

Tăng tiến độ thi công các dự án


Trong những tháng cuối năm, Hải Phòng tập trung thực hiện Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về “quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” nhằm tạo bước đột phá trong khâu giải phóng mặt bằng, tăng tiến độ thi công các dự án, đẩy mạnh việc giải ngân, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiệu quả.

Cùng với đó, nhiều địa phương thực hiện các giải pháp mạnh trong giải phóng mặt bằng như: chủ động tăng biên chế địa chính cho các phường trọng điểm có dự án đi qua; điều tra cơ bản số các hộ dân thuộc diện chuyển đổi ngành nghề và thất nghiệp do phải dùng quỹ đất để phát triển đô thị từ đó có hướng đầu tư dạy nghề cho các đối tượng trong độ tuổi lao động; ban hành quy trình đối thoại và lịch đối thoại công dân để giải quyết từng thắc mắc, khó khăn; soạn chương trình phối hợp giữa các ngành, bộ phận chức năng để tổ chức giao ban nhằm xử lý nhanh những công việc phát sinh...để giải tỏa tình trạng vốn "nằm chờ" dự án !./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục