Nga lại đe dọa Mỹ

Nga dọa khỏi START mới nếu Mỹ triển khai NMD

Nếu Mỹ tiếp tục triển khai các thành phần NMD ở châu Âu, Nga có quyền rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới.
Nếu Mỹ tiếp tục triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, Nga có quyền rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Riabkov tuyên bố như vậy tại cuộc họp của Hội đồng chuyên gia về phối hợp hành động giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) về hệ thống phòng thủ tên lửa, diễn ra ngày 16/5, tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga.

Ông Riabkov nêu rõ Nga đã nhiều lần cảnh báo việc gia tăng về số lượng và chất lượng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, làm nảy sinh mối đe dọa đối với tiềm năng lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, có thể được Mátxcơva coi là trường hợp đặc biệt được nêu trong điều 14 của Hiệp ước START mới, quy định khả năng Nga rút khỏi hiệp ước này.

Nhà ngoại giao cấp cao Nga cho rằng về nguyên tắc, vẫn còn thời gian đàm phán với Mỹ, tuy nhiên, nếu không đạt thỏa thuận về việc thiết lập một cơ chế hợp tác toàn diện dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, khi đó các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO sẽ bắt đầu được triển khai mà không có sự tham gia của Nga. Điều này về thực chất sẽ gây phương hại cho tiềm lực chiến lược của Nga.

Trong trường hợp này, Nga buộc phải thực thi các biện pháp cần thiết để lập lại thế cân bằng chiến lược đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, Nga không mong muốn một kịch bản như vậy và sẽ tiếp tục nỗ lực để điều đó không xảy ra.

Cũng trong cuộc họp này, đại diện thường trực của Nga tại NATO Dmitry Rogozin khẳng định Nga cần có sự đảm bảo kép để chắc chắn rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu không nhằm chống lại Nga: đó là đảm bảo pháp lý từ phía NATO và lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga có khả năng đáp trả mọi hành động xâm lược tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, xuất phát từ một nước hay một nhóm nước.

START mới chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2 năm nay và có hiệu lực trong 10 năm. Hiệp ước này quy định cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị, số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng xuống còn 700 đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục