EU trừng phạt vi phạm

EU nêu biện pháp trừng phạt vi phạm ngân sách

Ngày 29/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố cách thức trừng phạt những nước thành viên vi phạm quy định ngân sách của tổ chức này.
Ngày 29/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố cách thức trừng phạt những nước thành viên vi phạm quy định ngân sách của tổ chức này trong một động thái nhằm tránh tái diễn cuộc khủng hoảng nợ công trong Liên minh châu Âu (EU) như từng xảy ra ở Hy Lạp.

Theo quyết định trên, những nước nhiều lần vi phạm qui định của EU về thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ phải nộp cho EC một khoản tiền gửi có lãi, tương đương 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó.

Tiền gửi sẽ chuyển thành tiền phạt nếu nước vi phạm không có biện pháp hiệu quả nhằm đưa thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU.

Quốc gia thành viên nào nhiều lần phớt lờ khuyến cáo của EU về điều chỉnh sự mất cân bằng nghiêm trọng về lương, chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô sẽ phải nộp khoản tiền phạt tương đương 0,1% GDP mỗi năm, cho đến khi các bộ trưởng tài chính EU khẳng định nước này đã điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế.

EC cho rằng đề xuất mới sẽ tăng cường cơ chế trừng phạt trong EU và hạn chế việc áp dụng biện pháp trừng phạt một cách tùy tiện. Đề xuất của EC còn phải được chính phủ các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Theo các nhà quan sát, các qui định mới của EU sẽ giúp ngăn chặn việc các nước thành viên "thổi phồng" thống kê kinh tế để che đậy thâm hụt ngân sách nhà nước và tránh xảy ra tình trạng thâm hụt quá mức trong tương lai.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo ngại những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn này không thể giải quyết được các khó khăn kinh tế của EU, do những biện pháp khắc khổ mà các nước thành viên áp dụng để giảm thâm hụt ngân sách có thể hạn chế tăng trưởng và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục