Hiệu quả của Dung Quất là giảm bán tài nguyên thô

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, phát triển công nghiệp hóa dầu để phục vụ trong nước, giảm tình trạng bán tài nguyên thô là một hướng đi đúng.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, sáng 22/11, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiến hành trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp, tiến sĩ Kinh tế, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng phát triển công nghiệp hóa dầu để phục vụ trong nước, giảm tình trạng bán tài nguyên thô là một hướng đi đúng.

- Vấn đề thực hiện công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất, theo ông cần phải chú ý đến những điểm nào?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Dự án có những mục tiêu nhằm tạo cú hích để phát triển kinh tế miền Trung và phát triển ngành công nghiệp hóa dầu trong nước. Tuy nhiên, có bao nhiêu phần trăm người dân địa phương tham gia vào dự án này? Tôi nghĩ không được là bao nhiêu. Vì trình độ người dân không phù hợp với công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật chuyên môn cao trong nhà máy.

- Việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm mục tiêu chính là cung ứng các sản phẩm xăng dầu cho thị trường, vậy theo ông mục tiêu ấy đã đạt được hay chưa?

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới hoạt động được một thời gian ngắn với mục tiêu hướng tới đáp ứng 30% lượng tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên đã xuất hiện sự chệch choạc giữa thị thường tiêu thụ và kế hoạch của các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với nhà máy. Bộ Công Thương phải cân đối việc này, nếu năm 2011 không làm được thì không ổn.

- Vậy thì hiện tại đã đánh giá được hiệu quả của dự án này chưa, thưa ông?


Tiến sĩ Trần Du Lịch: Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới hoạt động được mấy tháng, chuyện đánh giá hiệu quả hay không thì còn phải chờ. Cũng có ý kiến cho rằng làm lọc hóa dầu không có hiệu quả về kinh tế. Quan điểm của tôi thế này, chúng ta phê phán việc bán tài nguyên thô và dầu thô là một trong thứ đó. Trong khi đó chúng ta có thể sử dụng ngay dầu thô khai thác được để nâng giá trị của nó lên bằng công nghiệp hóa dầu.

Trước mắt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Chúng ta còn phải xây dựng thêm nữa ví dụ như ở Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nếu như bằng nguồn dầu thô của mình mà chú trọng vào việc phát triển công nghiệp hóa dầu để bảo đảm tiêu dùng trong nước mà chúng ta là người chủ động thực hiện việc này thì vẫn tốt hơn.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (ghi)

Tin cùng chuyên mục