Cảnh sát OSCE không là phái bộ gìn giữ hòa bình

Kyrgyzstan khẳng định Cảnh sát OSCE không là "phái bộ gìn giữ hòa bình," và không xâm hại "độc lập, toàn vẹn lãnh thổ" của nước này.
Phái bộ cảnh sát quốc tế được Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhất trí triển khai tại miền Nam Kyrgyzstan không phải là "phái bộ gìn giữ hòa bình," vì họ không có quyền hành pháp và không được trang bị vũ khí.

Trong một thông báo ra ngày 4/8, Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan nhấn mạnh nhiệm vụ chính của phái bộ cảnh sát quốc tế là hỗ trợ cảnh sát địa phương khôi phục trật tự và an ninh ở khu vực đặt trong trong tình trạng khẩn cấp, củng cố đối thoại giữa người dân và cảnh sát, do đó họ không có quyền hành pháp và không được trang bị vũ khí.

Phái bộ này sẽ không tham gia việc điều tra nguyên nhân các cuộc xung đột sắc tộc hồi tháng Sáu vừa qua ở miền Nam Kyrgyzstan và không "thiên vị" bất cứ bên nào.

Theo Chính phủ Kyrgyzstan, người dân không nên quá lo ngại rằng sự hiện diện của phái bộ cảnh sát quốc tế có thể xâm hại "độc lập và toàn vẹn lãnh thổ" của Kyrgyzstan, bởi nước này là thành viên đầy đủ của OSCE, Liên hợp quốc, nhiều tổ chức quốc tế khác - đảm bảo quyền của mỗi quốc gia đối với nền độc lập và chủ quyền được tuân thủ nghiêm túc.

Thông báo trên của Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan được đưa ra sau khi làn sóng phản đối quyết định ngày 22/7 của OSCE về cử một "nhóm cố vấn cảnh sát" gồm 52 sĩ quan cảnh sát quốc tế tới Kyrgyzstan, ngày càng trở nên gay gắt.

Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây ở thủ đô Bishkek, đại diện Phong trào thanh niên Kyrgyzstan, Mavlyan Askarbekov tuyên bố Tổng thống tạm quyền Roza Otunbayeva đã có hành động vượt quá quyền hạn khi thông qua quyết định đưa 52 cảnh sát OSCE vào miền Nam Kyrgyzstan vào giữa tháng Tám này.

Theo ông Askarbekov, lãnh đạo nhiều chính đảng cùng nhiều quan chức của Kyrgyzstan không ủng hộ quyết định của bà Otunbayeva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục