Người Khmer Trà Vinh rộn ràng mùa quết cốm dẹp

Cứ khoảng tháng 9-10 Âm lịch hàng năm, người Khmer Nam Bộ chuẩn bị lễ hội Ok om bok; cốm dẹp là 1 sản vật cúng tạ ơn thần mặt trăng.
Cứ vào khoảng tháng 9-10 Âm lịch hàng năm, sau những đợt mưa dữ dội, mùa gió Nam bắt đầu lui dần nhường đất trời lại cho những ngọn gió chướng từ ngoài biển Đông thổi về… cũng là lúc người Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng chuẩn bị bước vào mùa lễ hội Ok om bok.

Trong đó, cốm dẹp là một trong những sản vật không thể thiếu trong lễ cúng tạ ơn thần mặt trăng nhân dịp lễ hội này.

Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, phóng viên TTXVN có dịp về ấp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, đây là một ấp có hơn 80% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Vào những ngày này, âm thanh tiếng chày quết (giã) cốm dẹp thình thịch hòa cùng tiếng cười nói các “người thợ” vang lên bên bếp lửa hồng gần như quanh đêm, suốt sáng…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ấp Ba So hiện có khoảng gần 100 hộ chuyên sống bằng nghề quết cốm dẹp, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng trên dưới 1.000kg cốm dẹp.

Quết cốm dẹp thường hoạt động theo nhóm, mỗi nhóm có từ 3-4 người, trong đó có một người chuyên rang nếp, số người còn lại quết cốm và làm việc khác…

Các “thợ” lành nghề cho biết nếp nguyên liệu chọn làm cốm dẹp phải là nếp đầu mùa vừa chín tới, nhưng vẫn còn hơi “non hái” để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp. Nếp sau khi thu hoạch được phơi dưới nắng nhẹ buổi sáng cho vừa se se khô, sau đó được cho vào nồi đất rang cho đến khi vỏ trấu cháy sém, bốc lên mùi thơm nhè nhẹ thì được chuyển qua cối để quết...

Do làng nghề sản xuất quanh năm chứ không chỉ vào mùa Ok om bok như trước đây nên việc đảm bảo nguồn nếp nguyên liệu cho làng nghề hoạt động liên tục, tại ấp Ba So hiện có hơn chục “hàng xáo” chuyên tỏa đi khắp các cánh đồng trong tỉnh làm nhiệm vụ mua, vận chuyển, phơi thóc… cung cấp cho các hộ quết cốm dẹp.

Riêng những tháng nghịch mùa, không có nếp mới thu hoạch, người ta đem cả nếp trữ sẵn trong bồ ra sản xuất. Nếp dự trữ đã được phơi rất khô nên trước khi cho vào nồi rang phải đem ngâm nước cho hạt gạo nếp mềm ra.

Cốm dẹp làm từ nguồn nếp nguyên liệu trữ sẵn có chất lượng (độ dẻo, độ thơm…) không bằng làm từ nếp “non hái” mới thu hoạch, nhưng dẫu sao cũng có cốm quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo truyền thuyết của tộc người Khmer, nhằm ghi nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi như một vị thần điều động mùa màng, mưa nắng trong năm giúp họ ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng trăng được tiến hành đúng vào đêm rằm tháng 10 Âm lịch, trước khi trăng lên đỉnh đầu mọi người trong phum sóc tập trung tại khuôn viên chùa hay khuôn viên nhà - nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng.

Tại đây, xây dựng một cái cổng (hai trụ thường làm bằng trúc) có trang trí hoa lá, dưới cổng đặt một cái bàn để các sản vật như chuối, dừa, khoai, cốm dẹp… Đối với người Khmer, cốm dẹp đã trở thành vật linh, vừa là món ăn hấp dẫn đầu mùa, vừa là phẩm vật dâng cúng thần linh nên các sản vật cúng trăng tuy tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp.

Từ chỗ là phẩm vật dâng cúng tạ ơn thần mặt trăng theo phong tục của người Khmer, cốm dẹp hiện được xem là loại đặc sản ở Trà Vinh, các bà nội trợ chế biến ra nhiều món ăn khá nổi tiếng như cốm dẹp trộn dừa, gói bánh tét, bánh ít…

Ngoài việc được cộng đồng người Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh ưa thích, cốm dẹp hiện tiêu thụ khá mạnh ở các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Do nhu cầu thị trường, sản xuất cốm dẹp không còn theo mùa như trước đây mà nay sản xuất quanh năm, trở thành nghề cho nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 500 hộ dân, với gần 2.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer hành nghề quết cốm dẹp; tập trung chủ yếu ở ba huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành.

làm nghề này tuy cực, thu nhập lại không cao bằng một số nghề khác nhưng đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, có mức thu nhập ổn định khoảng 40.000-50.000 đồng/ngày/người, góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh./.

Huy Hoàng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục