ĐBSCL phát triển công nghiệp chế biến gạo, thủy sản

Thời gian tới, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến gạo và thủy sản.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng 9 và 10/2012 đạt 23.825 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng từ đầu năm đến nay đạt 131.049 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2011, trong đó công nghiệp dân doanh chiếm 106.325 tỷ đồng.

Các địa phương dẫn đầu là Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp. Các mặt hàng đạt giá trị cao nhất là lúa gạo, thủy sản.

Để đạt được kết quả trên, các tỉnh nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; từng bước hoàn chỉnh hệ thống cảng sông, biển của vùng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, đẩy mạnh chính sách khuyến công, chuyển giao công nghệ, thay thế thiết bị lạc hậu bằng thiết bị hiện đại.

Các tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu - ngành chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong ngoài nước, đặc biệt là chế biến gạo và thủy sản.

Bên cạnh đó, các tỉnh cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng chế biến xuất khẩu vay thêm hơn 10.000 tỷ đồng đổi mới máy móc thiết bị, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá, tiếp thị, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng.

Các tỉnh triển khai các chương trình đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực giao dịch trong quan hệ ngoại thương, quán triệt các quy định, thông lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp không lúng túng trong quá trình hội nhập.

Các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến công; liên kết với các trường đại học, viện khoa học trong ngoài nước nhằm ứng dụng khoa học vào sản xuất công nghiệp, nâng cao tay nghề trình độ người lao động, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật cao; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp mở rộng hợp tác với nước ngoài./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục