Trao giải cuộc thi Tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt-Lào

Ban tổ chức đã trao 215 giải thưởng cho cuộc thi trắc nghiệm, một giải nhất, hai giải nhì cuộc thi viết cho các tác giả xuất sắc nhất.
”Nhằm chào mừng “Năm Đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào 2012,” chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào, chiều 12/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.”

Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam” được phát động từ ngày 12/4/2012. Sau tám tháng triển khai, đã nhanh chóng thu hút được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Kết quả, về thi trắc nghiệm, sau 31 tuần, đã có 215 giải thưởng, gồm 30 giải nhất, 30 giải nhì và 155 giải khuyến khích (có một tuần không có giải nhất và giải nhì vì phần dự đoán số người trả lời đúng cả ba câu hỏi chênh lệch quá xa so với kết quả được hiển thị trên Internet).

Về thi viết, Ban tổ chức đã trao một giải nhất (30 triệu đồng) cho đồng tác giả Lê Reo và Đỗ Thị Yên (tỉnh Thanh Hóa) là cặp vợ chồng cùng là cựu chiến binh, đã từng có những năm tháng là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên các chiến trường Lào; hai giải nhì (mỗi giải 15 triệu đồng) thuộc về Hoàng Văn Đông, học viên Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an và Trần Thị Kim Hoa, Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Lào Cai.

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cuộc thi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đối với nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ của hai nước Việt-Lào; đồng thời, có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp ngày càng bền chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Thông qua Cuộc thi, tạo được nhận thức và củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế về lập trường, quan điểm, chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước; đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào của các thế lực thù địch.

Ông Nguyễn Thế Kỷ đánh giá các tác phẩm của cuộc thi không chỉ là những bài viết hay, công trình đồ sộ, gây xúc động lòng người mà còn cung cấp khá nhiều tài liệu, tranh, ảnh… là những tư liệu lịch sử quý; không chỉ làm sáng tỏ hơn các nội dung của công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 1930-2007” mà còn là những tài liệu quan trọng cần được bổ sung, nghiên cứu, biên soạn sau này trong lịch sử cách mạng Việt Nam và Lào.

Trong đó, có nhiều tư liệu quý, lần đầu tiên được các cựu chuyên gia, các cựu chiến binh, hoặc con cháu của họ sưu tầm, công bố qua các bài dự thi. Kết quả cuộc thi đã góp phần làm tô thắm thêm cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào ngày càng bền chặt./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục