Châu Âu đang chuẩn bị thành lập "liên minh tài khóa"

Châu Âu đang chuẩn bị thành lập một liên minh ổn định, hay còn gọi là "liên minh tài khóa," với sự giám sát ngân sách nghiêm ngặt.
Châu Âu đang chuẩn bị thành lập một liên minh ổn định, hay còn gọi là "liên minh tài khóa," với sự giám sát ngân sách nghiêm ngặt để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 2/12 về chủ đề các hội nghị thượng đỉnh của Khu vực đồng euro và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 8-9/12 tới tại Brussels (Bỉ).

Thủ tướng Đức nhấn mạnh các nước châu Âu không chỉ đơn thuần thảo luận về một "liên minh tài khóa," mà đang bắt tay vào việc thành lập liên minh này, với những quy định rất khắt khe, chí ít là đối với Eurozone. Theo bà Merkel, liên minh này sẽ có vai trò như một "cái phanh" mới của châu Âu để "hãm" các nước khỏi rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và những vấn đề liên quan đến đồng euro không thể giải quyết trong "một sớm một chiều," trái lại phải mất nhiều năm.

Bà Merkel cũng lên tiếng phản đối việc phát hành trái phiếu châu Âu chung vì cho rằng nó không giúp vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo bà Merkel, trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố các liên minh kinh tế và tiền tệ vẫn tiếp tục là mục tiêu quan trọng, song vấn đề cấp bách nhất hiện nay là thành lập một liên minh ổn định với việc tăng cường kiểm soát ngân sách và điều chỉnh mức nợ công.

Để làm được điều này, cần phải có sự thay đổi các hiệp ước của EU. Vì vậy, việc thay đổi các hiệp ước này sẽ là mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh EU tới đây.

Ngoài ra, Thủ tướng Đức cũng không đồng tình với đề xuất sửa đổi quyền hạn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhấn mạnh nhiệm vụ của định chế tài chính này vẫn là bảo đảm sự ổn định chính sách tiền tệ.

Trong một động thái liên quan, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh khẳng định nước này không thể sử dụng khoản dự trữ ngoại tệ trị giá 3.200 tỷ USD của mình để cứu trợ các nước khác.

Đây là sự cự tuyệt rõ ràng nhất của Trung Quốc trước những đề xuất nên hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.

Phát biểu tại một diễn đàn, Thứ trưởng Phó Oánh nói rằng lập luận Trung Quốc nên giải cứu châu Âu là không khả thi và các nước châu Âu có thể hiểu sai cách Trung Quốc quản lý nguồn dự trữ của mình.

Bà Phó Oánh nêu rõ dự trữ của Trung Quốc giống như các khoản tiết kiệm của nước này, đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã cho Bắc Kinh bài học về tầm quan trọng của các khoản dự trữ đối với một quốc gia.

Với tư cách là quốc gia dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện là một trong số ít những chính phủ có nguồn tài chính đủ mạnh để mua lại nợ của các chính phủ châu Âu và giúp khu vực này thoát khỏi khủng hoảng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục