Thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ kênh bán lẻ hiện đại

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ VN, năm nay, thị trường Việt Nam sẽ bùng nổ các kênh bán lẻ hiện đại.
Theo Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, tuy kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm xấp xỉ 20%, nhưng năm 2010 này thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các kênh bán lẻ hiện đại.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ bên lề diễn đàn về Thị trường phân phối - bán lẻ Việt Nam vừa diễn ra cuối tuần qua, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, năm 2009, doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt gần 1.200 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2008. Trên đà khởi sắc của thị trường tiêu dùng nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ sẽ còn tiếp tục tăng trên 20% trong năm 2010.

PV: Với sự bùng nổ của kênh bán lẻ hiện đại thời gian tới thì vai trò của người tiêu dùng Việt Nam được khẳng định ra sao?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng hội nhập, vì vậy họ dành ít thời gian hơn cho việc đi chợ, mua sắm và thay vào đó họ sẽ theo xu hướng là mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại, mặc dù thói quen mua đồ ăn tươi hằng ngày cũng sẽ còn tồn tại trong một số bộ phận người dân Việt Nam.

70% thu nhập của người Việt Nam là dành cho mua sắm, do đó chính người tiêu dùng sẽ định hướng cho ngành công nghiệp bán lẻ và sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam.

PV: Với tiềm năng tăng trưởng 20% của thị trường bán lẻ trong nước, vậy điều gì được đặt ra đối với thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian tới?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Theo tôi, mặt bằng bán lẻ sẽ là vấn đề luôn luôn nóng của thị trường bán lẻ Việt Nam. Các nhà bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều là những nhà bán lẻ lớn, họ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này và quan trọng là tiềm lực về kinh tế cũng như tài chính của họ rất mạnh.

Họ có thể trả giá cao cho những vị trí trung tâm, nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận kinh doanh lỗ  7-10 năm và hơn thế nữa, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế tài chính còn yếu thì đương nhiên không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài.

PV: Vậy sức đề kháng của các doanh nghiệp trong nước trước các đại gia bán lẻ nước ngoài sẽ ra sao và các cơ quan chức năng đã có những giải pháp gì giúp các doanh nghiệp?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là hiện nay ở các tỉnh, địa phương cũng đều có xu hướng mong muốn thu hút được các nhà bán lẻ, phân phối lớn vào đầu tư tại địa phương của mình. Chính vì vậy, ở góc độ nào đó đây là lý do để các nhà bán lẻ nước ngoài có được những vị trí ưu thế hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Theo tôi, vấn đề này đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã yếu thế lại còn yếu thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu chỉ xét ở góc độ khả năng kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam khó có thể vượt qua được họ.

Do vậy để cạnh tranh có hiệu quả, ngoài việc tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của mình, thì việc quan trọng nhất phải làm đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước là tạo ra được một chuỗi liên kết mạnh, nhằm giảm chi phí và giá thành sản phẩm cũng như khắc phục những điểm yếu của nhau.

PV: Người tiêu dùng Việt Nam theo bà sẽ là định hướng cho ngành công nghiệp bán lẻ trong nước, vậy quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được các nhà bán lẻ bảo vệ ra sao?

Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan: Hiện nay, cùng với kênh bán lẻ hiện đại, người tiêu dùng Việt Nam còn sử dụng các kênh mua sắm khác như điện thoại, Internet, thậm chí là kênh bán hàng đa cấp... Đây là hình thức mà ở các nước họ đã sử dụng khá lâu và mặc dù vậy người ta vẫn khuyến cáo người tiêu dùng là nên cẩn trọng với những hình thức này.

Ở Việt Nam theo tôi, người tiêu dùng lại nên thận trọng với những hình thức bán hàng này bởi vì có rất nhiều nguy cơ. Nếu chúng ta chưa tìm hiểu kỹ và có đủ thông tin về sản phẩm, đồng thời cũng chưa phải là "người tiêu dùng thông thái" thì dễ trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo không mới này.

Vì vậy, đối với doanh nghiệp, để nâng cao uy tín và nâng tầm thương hiệu thì họ sẽ không bán cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng thấp.

Các chương trình khuyến mại được các nhà bán lẻ tại Việt Nam áp dụng nhiều là rất có ý nghĩa, nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần quan tâm tới là làm thế nào để các chương trình khuyến mại đúng với tính chất của nó nhằm bảo đảm uy tín của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Xin cảm ơn bà./.
Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục