Roddick: Chỉ thua người vĩ đại nhất

Với những ai đã chứng kiến trận chung kết Wimbledon 2009, Roddick cũng là người chiến thắng, bởi tinh thần thi đấu như "một chú sư tử" của tay vợt này.
Sự can đảm, bền bỉ, sức mạnh và một phần nào đó, sự hồi sinh của Roddick là lời đảm bảo vững chắc nhất cho kẻ nào còn nghi ngờ rằng Federer thuộc về một đẳng cấp khác.

Những huyền thoại của quá khứ, Pete Sampras, Bjorn Borg và Rod Laver, đã có mặt để chứng kiến thời khắc lịch sử đó, nhưng chẳng khác gì những kẻ ngoại đạo như Alex Ferguson, họ hẳn không thể ngờ rằng trận đấu lại trở thành kinh điển đến choáng ngợp như thế.

Cũng giống như chưa bao giờ trong lịch sử có một tay vợt như Federer, chưa bao giờ trong lịch sử có một trận đấu như thế này.

Khi trận đấu kết thúc, trước lúc Công tước xứ Kent trao chiếc cúp cho Federer và Roddick phải nhận phần thưởng an ủi, khi hàng rào danh dự được dựng lên và những nhân vật quan trọng vào vị trí của mình, trên khán đài của sân Trung tâm, những tiếng hô vang đồng thanh bắt đầu vang lên, lúc đầu hơi khó nghe, nhưng dần càng trở nên rõ rệt cho tới khi tất cả mọi người cùng hô to trên khắp sân: “Roddick, Roddick, Roddick…”

Kẻ thua cuộc đứng lên và những tiếng reo hò vang dội thay cho sự thừa nhận vai trò đặc biệt của Roddick góp một tay làm nên lịch sử, sự ngưỡng mộ chưa bao giờ có dành cho một người thua trận. Rất nhiều khán giả ở sân Trung tâm đã từ chỗ là một người trung lập hoặc ủng hộ Federer quay sang ủng hộ Roddick, không chỉ vì tình yêu của những người Anh dành cho những kẻ yếu thế, mà còn bởi tay vợt Mỹ đã chiến đấu với tinh thần khiến anh xứng đáng được như thế.

Nếu sau khi kết quả là 10-10, 12-12 hay 14-14 ở set cuối cùng, họ bắt tay nhau và cùng chia sẻ chiếc cúp vàng, hẳn nhiều người cũng đồng ý. Nhưng đây là thể thao và mọi việc cần phải rõ ràng, một kẻ chiến thắng và một người thua cuộc, nhưng thật khó có thể gọi Roddick là kẻ bại trận.

Sau khi bất ngờ giành chiến thắng 7-5 trong set đầu tiên, tay vợt người Mỹ đã dẫn tới 6-2 ở set 2, nhưng rồi lại để thua ngược 6-8 và sân Trung tâm được chứng kiến một trong những khoảnh khắc đáng tiếc nhất lịch sử quần vợt khi kẻ yếu hơn để tuột mất cơ hội chiến thắng. Nhưng dẫu thế nào, Roddick vẫn không phải là kẻ đóng vai phụ trong vở kịch cuốn hút đến phút chót tối 5/7.

Sau set thứ hai, những kẻ tự cho là sáng suốt dự đoán rằng việc Federer thắng chỉ là vấn đề thời gian và họ không sai, nhưng điều không tưởng là là bao nhiêu thời gian khi trận đấu kéo dài thêm gần ba giờ đồng hồ sau đó. Không hề suy sụp về mặt tinh thần như nhiều người dự đoán, Roddick chiến đấu như một con sư tử và thắng set thứ tư sau loạt tiebreak để đưa Federer vào trận chiến vô tiền khoáng hậu trong set cuối cùng.

Set đấu cuối cùng dài nhất trong lịch sử tất cả các giải Grand Slam là vào năm 1927 khi Rene Lacoste đánh bại William Tilden 11-9 ở giải Pháp mở rộng và sau đó với tỷ số tương tự ở giải Mỹ (dù quần vợt khi đó rất khác với bây giờ, set đầu tiên của trận chung kết Tilden-Lacoste ở Mỹ kết thúc với tỷ số 9-7 và không có thời gian nghỉ giữa các game).

Năm ngoái, khi Rafael Nadal đánh bại Federer 9-7 trong trận chung kết cũng ở sân Trung tâm, nhiều người hẳn nghĩ rằng họ đã được chứng kiến trận đấu vĩ đại nhất trong lịch sử Wimbledon, và khi Nadal chính thức thông báo anh không thể bảo vệ danh hiệu của mình vì chấn thương, cộng thêm việc Federer băng băng tiến vào chung kết, nhiều người hẳn đã tin rằng giải đấu năm nay không còn hấp dẫn và Roddick đã chứng minh điều ngược lại một cách không thể thuyết phục hơn.
 
 “Anh sẽ mô tả những gì anh đã làm ở đây hôm nay ra sao?”, một nhà báo hỏi Roddick sau trận đấu. “Tôi đã thua”, anh đáp lời. Không sai, còn gì có thể quan trọng hơn với một người đã chiến đấu đến như thế vì chiến thắng. Nhưng cho riêng lần này, với những ai đã chứng kiến trận chung kết, Roddick cũng là người chiến thắng.

Còn Federer, sau bốn giờ 17 phút và 77 game diễn ra ngày 5/7, trước một đối thủ như thế, không còn ai có thể tranh cãi rằng anh là tay vợt vĩ đại nhất của mọi thời./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục